Bộ Công Thương đã gửi danh sách 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cho Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ tuy nhiên đến nay mới chỉ có thanh long (ruột đỏ và ruột trắng), vải, nhãn được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp một số khó khăn về thị trường, giá cả, khiến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm giảm 9,5% so với cùng kỳ (đạt 8,14 tỷ USD).

Để đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nhóm hàng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tìm cách đưa các mặt hàng nông sản xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường mới, đặc biệt là những thị trường kỳ vọng giá trị cao nhưng có yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Hiện tại, một số loại trái cây của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long đã bước đầu thâm nhập các thị trường mới.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, đối với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam đã gửi danh sách 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cho Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ. Đến nay, thanh long (ruột đỏ và ruột trắng), vải và nhãn của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm xoài, vú sữa … đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để cấp phép nhập khẩu.

Thị trường Hàn Quốc hiện đã cho phép nhập khẩu thanh long (ruột đỏ và ruột trắng) của Việt Nam; hiện đang hoàn tất thủ tục cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng xoài và tiến hành mở cửa cho mặt hàng vú sữa.

Thị trường Australia đã cho phép nhập khẩu quả vải và nhãn. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xúc tiến làm việc với các đối tác để sớm được cấp phép nhập khẩu quả xoài và thanh long tại thị trường này.

Thị trường New Zealand đã mở cửa cho mặt hàng xoài và thanh long (cả ruột đỏ và ruột trắng) của Việt Nam và đang tiến hành các thủ tục cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng chôm chôm…

Theo lý giải của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên nhân chính của sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua là do lượng xuất khẩu giảm. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 516 triệu USD.

Ngoài ra, nguồn cung thế giới tăng trong khi cầu chưa tăng tương ứng tạo sức ép cạnh tranh đối với xuất khẩu (đối với mặt hàng thủy sản, mặt hàng gạo).

Thêm vào đó, các quốc gia tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe đối với nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Đây là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh việc quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, sản xuất và chế biến chưa được chặt chẽ và đồng bộ.

Nguồn: baohaiquan.vn

Nguồn: Hải quan Việt Nam