(VINANET) – Kết thúc năm 2014, thương mại Việt Nam – Đan Mạch tăng nhẹ so với năm 2013, tăng 8,5%, tương đương với kim ngạch 493,9 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu 316,6 triệu USD, tăng 18,27% và nhập khẩu 177,2 triệu USD, tăng 5,3%.
Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch các mặt hàng như: hàng dệt may, giày dép, thủy sản, máy móc thiết bị…. Là mặt hàng chiếm thị phần lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, chiếm 28,31%, nhưng năm 2014 tốc độ xuất khẩu hàng dệt may sang Đan Mạch lại giảm nhẹ, giảm 1,85%, tương đương với 89,6 triệu USD.
Kế đến là hàng giày dép các loại, đạt 42,9 triệu USD, tăng 49,79%; hàng thủy sản tăng 34,93%, đạt 40,4 triệu USD…
Nhìn chung, năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đan Mạch đều có tốc độ tăng trưởng dương, số mặt hàng này chiếm 92,3%. Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng sản phẩm từ sắt thép, tuy kim ngạch chỉ đạt 13,1 triệu USD, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng 96,91%.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Đan Mạch năm 2014 - ĐVT: USD
Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Đan Mạch các mặt hàng như: thủy sản, sữa và sản phẩm, sản phẩm hóa chất, dược phẩm….Đáng chú ý, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch thì nay cũng nhập khẩu mặt hàng này từ Đan Mạch, đạt kim ngạch lớn 30,5 triệu USD và chiếm 17,23% tổng kim ngạch.
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Đan Mạch năm 2014 – ĐVT: %
(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ tử TCHQ Việt Nam)
Được biết, ngày 21/1/2015 vừa qua đã diễn ra Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch, tại đây nhiều doanh nghiệp của Đan Mạch đã giới thiệu về những lĩnh vực là thế mạnh của Đan MẠch và mong muốn được hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam như: phát triển năng lượng và lĩnh vực nông nghiệp.
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Mogens Jensen - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác Phát triển Đan Mạch từ ngày 19- 22/1/2015.
Theo ông Mogens Jensen, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đan Mạch trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực: từ quan hệ hợp tác hỗ trợ đã chuyển sang quan hệ hợp tác thương mại hai bên cùng có lợi. Tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch là rất lớn, tương lai sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu giữa 2 nước. Đặc biệt với tư cách Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Đan Mạch mong muốn Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam-EU nhanh chóng được ký kết và năm 2016 sẽ tăng gấp đôi lượng hàng hóa Đan Mạch xuất khẩu vào Việt Nam.
Bà Karen Haekkerup- Tổng giám đốc Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạnh cho biết, hơn 60% diện tích đất canh tác tại Đan Mạnh là dành cho nông nghiệp. Đan Mạnh cũng là quốc gia có 2/3 thực phẩm làm ra tại quốc gia này được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Với mong muốn hợp tác với Việt Nam, Đan Mạch sẵn sàng cung cấp và tư vấn các giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất của thế giới.
Tương tự, đại diện ngành năng lượng của Đan Mạch cũng bày tỏ mong muốn hợp tác sâu hơn với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng với các giải pháp bền vững.
Đánh giá về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Đan Mạch tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, tính đến hết năm 2014, riêng tại TP.HCM đã có 42 dự án đầu tư của Đan Mạch với tổng vốn đầu tư 59,3 triệu USD và TP.HCM hiện tập trung 80 doanh nghiệp trên tổng số 130 doanh nghiệp của Đan Mạch tại Việt Nam. Theo bà Hồng, hai lĩnh vực gồm nông nghiệp và năng lượng hiện đang được Việt Nam quan tâm và có nhu cầu hợp tác lớn với các quốc gia phát triển, trong đó có Đan Mạch.
Nguồn: Vinanet tổng hợp từ Báo công thương điện tử