Theo nguồn tin từ Công Thương, những năm gần đây, thương mại biên giới giữa Việt Nam với Lào và Campuchia có chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu không ngừng tăng cao.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào cho biết, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam- Lào năm 2012 đạt 866 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2008. Trong 10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam- Lào đạt 817,6 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2012 (725,3 triệu USD). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Lào 375,9 triệu USD tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái (343,9 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: Xăng dầu (82 triệu USD), sắt thép (88,9 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (33,7 triệu USD), dây điện và dây cáp điện (18,1 triệu USD)... Việt Nam, nhập khẩu từ Lào 441,7 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái (381,4 triệu USD). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Lào gồm: Gỗ (272,5 triệu USD), kim loại thường (40,8 triệu USD)... Ước cả năm 2013, kim ngạch thương mại Việt Nam- Lào có thể đạt 1 tỷ USD.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia cho hay, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam- Campuchia năm 2013 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 0,5 tỷ USD so với năm 2012, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia 3 tỷ. Dự báo năm 2014, kim ngạch thương mại Việt Nam- Campuchia đạt khoảng 4 tỷ USD. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sữa, mì ăn liền, cà phê, nước mắm, rau, hoa quả, phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu; nhập từ Campuchia chủ yếu là nông sản thô như hạt điều, sắn lát, đậu xanh, đậu nành, mủ cao su...

Hàng Việt Nam cạnh tranh có hiệu quả tại thị trường Campuchia và Lào do có chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, giá cả phù hợp. Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Kratie và Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Stung Treng (Camphuchia) cho biết, hàng Việt Nam chiếm 50- 60% thị phần tại các tỉnh này.

Tại Lào, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Champasak, hàng Việt Nam chiếm khoảng 30% thị trường của tỉnh. Đặc biệt là sản phẩm tôn, sắt thép của Việt Nam rất được ưa chuộng do chất lượng tốt và rẻ hơn hàng cùng loại của Thái Lan. Không chỉ người dân trong tỉnh Champasak mà các tỉnh khác cũng sang Champasak tìm mua hàng Việt Nam.

Giải pháp thúc đẩy thương mại

Quan hệ thương mại Việt Nam- Lào tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua nhưng so với thương mại hai chiều Lào- Thái Lan và Lào- Trung Quốc thì còn kém cả về tốc độ tăng trưởng và trị giá.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam vào Lào đạt 198 triệu USD, chiếm hơn 10% kim ngạch nhập khẩu của Lào; năm 2011 tỷ lệ đó tăng lên 11,4% và năm 2012 tăng lên 16,4%. Trong khi đó, năm 2010, Lào nhập từ Thái Lan gần 1,4 tỷ USD, năm 2011 đạt 1,45 tỷ USD. Lào nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2010 đạt 145 triệu USD, năm 2011 tới 392 triệu USD. Thực tế, thị phần hàng hóa Việt Nam tuy có tăng nhưng còn rất khiêm tốn trên thị trường Lào.

Một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào tăng không mạnh là do sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng yếu đi so với hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan do họ có hệ thống phân phối ngày càng phát triển (cửa hàng, siêu thị, chợ được đầu tư xây dựng nhiều). Trong khi đó, hệ thống phân phối hàng Việt Nam tại Lào hầu như không có, phương thức mua bán vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Các thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới chưa thật sự thông thoáng. Hạ tầng giao thông, các cửa khẩu chưa được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, ngôn ngữ, vị trí địa lý, tập quán buôn bán cũng làm cản trở việc xuất khẩu của Việt Nam vào Lào.

Còn tại Campuchia, tuy xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 vào thị trường này vẫn tăng nhưng tốc độ đã chậm lại so với trước. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do Campuchia kiểm tra, siết chặt thuế nhập khẩu. Giá bán lẻ nhiều mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam tại Campuchia đã tăng từ 10- 15%, có mặt hàng tăng 20- 25%, sức cạnh tranh giảm so với hàng hóa của các nước khác.

Tiềm năng và cơ hội đều mở rộng

Tiềm năng và cơ hội phát triển thương mại Việt Nam- Lào và Việt Nam- Campuchia rất lớn. Để thúc đẩy hoạt động thương mại trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam- Lào lên 2 tỷ USD và Việt Nam- Campuchia lên 5 tỷ USD vào năm 2015, cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Trước hết, cần đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới chính ngạch giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Lào; đầu tư xây dựng chợ biên giới, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối hàng hóa, kho thương mại trong khu kinh tế cửa khẩu, khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia và Việt Nam- Lào làm nguồn cung cấp hàng hóa vào hai thị trường này.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng, khai thác tối đa những ưu đãi từ các thỏa thuận tự do thương mại trong khối ASEAN, những ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, Campuchia và Lào theo các thỏa thuận song phương. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, tích cực mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm, cải tiến phương thức mua bán cho phù hợp với tập quán kinh doanh của thị trường này.

Khi xuất khẩu vào hai thị trường này, đặc biệt là hàng tiêu dùng, doanh nghiệp cần có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Campuchia hoặc Lào. Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Champasak, nhiều người tiêu dùng Lào muốn mua hàng Việt Nam nhưng do không có hướng dẫn sử dụng nên chuyển sang mua hàng của Thái Lan (vì có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Lào).

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ngoài chương trình xúc tiến thương mại tổ chức tại Phnom Penh và Viêng Chăn, cần xem xét tổ chức ở một số địa phương khác ở Campuchia và Lào. Những chương trình hội chợ triển lãm, Ban tổ chức cần vận động, khuyến khích các doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh của Việt Nam tham gia để tạo ấn tượng tốt cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Đặc biệt, cần nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa, phương tiện vận tải Việt Nam có thể quá cảnh Campuchia để sang Lào và ngược lại. Như thế, hàng hóa Việt Nam từ cửa ngõ Tây Ninh đi qua các tỉnh đông bắc Campuchia để vào tỉnh Champasak và các tỉnh phía nam Lào một cách thuận lợi, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển.

Các ngân hàng cần xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác đầu tư tại Campuchia và Lào tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển dự án đầu tư một cách hiệu quả.

 

Nguồn: Vinanet