Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thuỷ sản trong năm 2015 - 2016, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần có ý kiến với Chính phủ, cũng như ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn.
Chia sẻ về tình trạng xuất thuỷ sản trong quý 1 vừa qua tại buổi toạ đàm “Diễn biến và các nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu nông thủy sản”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản trong quý 1/2015 đã có sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thuỷ sản trong năm 2015 - 2016, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần có ý kiến với Chính phủ, cũng như ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn.
Đưa ra nguyên nhân về sự sụt giảm này, ông Nam cho biết, trước hết là do nhu cầu nhập khẩu từ các khu vực thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm như: cá ngừ, tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường Châu Âu và kể cả thị trường Nhật Bản sụt giảm. Cùng với đó, các nước đang cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam có một xu thế thả nổi đồng tiền của mình hơn, trong khi Việt Nam với chính sách cân đối vĩ mô vẫn phải có những kiểm soát tỉ giá giữa đồng đô la và đồng Việt Nam.
“Đó cũng là bất lợi một phần đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất vào thị trường Châu Âu, cũng như thị trường Nhật Bản. Các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, cũng đã phản ánh rõ vì nhìn thấy rõ giá trị của đồng EUR đã giảm sút”, ông Nam chia sẻ.
Một nguyên nhân nữa theo ông Nam, đó là sự cạnh tranh của thị trường Ấn Độ đối với mặt hàng tôm xuất khẩu. Theo đó, hiện nay, xuất khẩu mặt hàng lớn nhất của Việt Nam là mặt hàng tôm với trị giá hiện khoảng 4 tỷ USD/năm lại đang chịu sức ép, bởi sang tháng sau (tức tháng 5) là vào mùa vụ tôm chính của Ấn Độ.
Cũng theo chia sẻ của ông Nam, hiện nay Ấn Độ có năng lực sản xuất nguyên liệu tôm khá mạnh, bởi vậy về phương diện nào đó với thị trường, Ấn Độ đang cạnh tranh và chiếm các ưu thế đã khiến cho kim ngạch và thị phần của Việt Nam tại các thị trường chính là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… bị giảm (riêng đối với mặt hàng tôm có thể giảm tới là 40 - 60%).
Cũng liên quan đến những mặt hàng xuất khẩu, ông Phan Hữu Đễ, nguyên Tổng thư ký Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, trong quý 1 vừa qua, cà phê là mặt hàng có mức giảm kim ngạch sâu nhất trong nhóm nông thủy sản.
“Nếu như trong quý 1/2014 xuất khẩu mặt hàng cà phê đạt được 500 nghìn tấn, thì năm nay chỉ đạt được 300 nghìn tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của giá cả, trong đó hoạt động của một số nhà đầu cơ đã tìm mọi cách ép giá. Đây là một điểm chúng ta cần suy nghĩ và đối với các nhà kinh doanh cũng phải làm sao để thúc đẩy phát triển ngành cà phê”, ông Phan Hữu Đễ chia sẻ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam hội nhập
Đưa ra những giải pháp để giải quyết các vấn đề khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện nay Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và tham gia đầy đủ trong những chương trình xúc tiến thương mại, các chương trình trọng điểm nhất là ở các thị trường Châu Âu. Trong tháng 4, sẽ có rất nhiều hoạt động đổi mới toàn diện về xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh cho những mặt hàng chiến lược của thủy sản Việt Nam như là tôm, cá tra, cá ngừ.
Ngoài ra, ông Nam cũng cho biết, Hiệp hội đang có đề xuất, kiến nghị, trước hết với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện những công việc ngắn hạn trong thời gian 1-2 năm. Đặc biệt là công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, để làm sao trong năm 2015 -2016.
Đặc biệt, trong bối cảnh từ nay đến cuối 2015, khi mà vấn đề giá trị tỉ giá đồng EUR chưa có dấu hiệu điều chỉnh lại như bình thường, ông Nam cũng cho biết, Hiệp hội đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có ý kiến Chính phủ cũng như ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn (hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang ra tối đa là 7%). Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2015 - 2016.
Trong khi đó, đối với mặt hàng cà phê, ông Phan Hữu Đễ cho rằng, để cà phê được nâng cao giá trị thì điều cơ bản nhất là phải mở rộng thị trường và củng cố thị trường đang có. “Muốn để đảm bảo yếu tố này thì chất lượng cà phê phải đảm bảo, lượng xuất khẩu vào các thị trường cũng phải đảm bảo”, ông Đễ chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi toạ đàm “Diễn biến và các nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu nông thủy sản”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ, ông rất đồng tình và tán thành quan điểm đã đề cập ở trên. Theo đó, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam, sẽ là yếu tố quyết định cho thành công, không phải chỉ nhìn ở góc độ đảm bảo được kim ngạch xuất khẩu và mục tiêu xuất khẩu, mà là sự thành công cạnh tranh trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và trong thời đại hội nhập.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, trong những nhiệm vụ dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, hàng hóa của nền kinh tế. Đặc biệt thông qua các khung khổ hội nhập mà chúng ta đang đàm phán một cách tích cực như TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan… Tất cả các nội dung quan trọng của đàm phán đều được chúng ta cân nhắc, tính toán một cách thiết thực để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc mở cửa thị trường của thế giới.
Nguồn: VnMedia.vn