Hiệp hội lương thực Việt Nam vừa công bố báo cáo phân tích thị trường xuất khẩu gạo để các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch, giải pháp xuất khẩu gạo cho phù hợp vì liên tiếp trong 5 tháng qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giảm.

CôngThương - Theo đó, dự báo mới của USDA và FAO có điều chỉnh nhẹ so với tháng trước. Năm 2013 USDA dự báo sản lượng không thay đổi nhưng tiêu thụ tăng thêm 1,7 triệu tấn, thương mại tăng thêm 100 ngàn tấn, tồn kho cuối kỳ tăng thêm 1,2 triệu tấn. Trong khi FAO dự báo sản lượng giảm 1 triệu tấn và tiêu thụ cũng giảm 1,2 triệu tấn, thương mại tăng 100 ngàn tấn và tồn kho cuối kỳ tăng 400 ngàn tấn, so với năm 2012. xu hướng thị trường trong thời gian tới.

Tình hình thị trường gạo thế giới trong khi chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và thu hoạch mới từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á, đã phát sinh nhân tố mới tác động đến cung cầu và giá thị trường, đó là cơn bão Haiyan đã tàn phá miền trung Philippines, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và cung cấp gạo nước này, Philippines phải nhập khẩu gấp để bù đắp kho dự trữ bị thiệt hại do cơn bão gây ra.

Tình hình Thái Lan ngày càng xấu hơn, giá gạo giảm liên tiếp do đồng baht yếu và thiếu nhu cầu mới, trừ gạo đồ có nhu cầu từ Nigeria và chính phủ thông báo đã bán 300/450 ngàn tấn gạo trong đợt thầu thứ 6 ngày 19-11. Tuy nhiên vấn đề lớn ở Thái Lan hiện nay là sự bất ổn chính trị với biểu tình phản đối trên đường phố về dự luật ân xá, dẫn đường cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước và phản đối của nông dân chưa được thanh toán từ chương trình cam kết mới từ đầu tháng 10. Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp đã phát hành trái phiếu với bảo lãnh của chính phủ trị giá 2,4 tỷ usd (75 tỷ baht) để tài trợ chương trình, nhưng chỉ huy động được 50% do các nhà đầu tư quan ngại việc sử dụng vốn cho chương trình cam kết và bất ổn chính trị đang diễn ra.

Ấn Độ, tiến độ xuất khẩu vẫn tăng do nhu cầu lớn và giá cạnh tranh từ gạo tấm và gạo đồ, ngoài ra chính phủ tiếp tục chương trình thu mua để bảo đảm tồn kho đệm, nên giá ổn định mặc dầu đồng rupi đang mất giá so với usd. Dự báo sản lượng vụ mùa 2013-2014 sẽ giảm từ 108 triệu tấn xuống còn 100 triệu hoặc thấp hơn do hạn hán ở phía đông và đông bắc, nhất là 3 cơn lốc xoáy liên tiếp vừa qua, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2014.

Một yếu tố mới ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Ấn Độ trong thời gian tới là Thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và 6 cường quốc. Thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc nới lỏng cấm vận Iran, giảm bớt những hạn chế thanh toán qua ngân hàng, tạo điều kiện cho Iran mở rộng thương mại gạo với nhiều nguồn cung cấp, nên Ấn Độ sẽ mất sự độc quyền ở thị trường này với cơ chế thanh toán đặc biệt dựa trên đồng rupi trong hai năm vừa qua. Cơ chế thanh toán này đã tạo điều kiện cho Ấn Độ trở thành nước cung cấp gạo duy nhất cho Iran, mặc dầu các nguồn cung cấp khác rẻ hơn, đây là lý do xuất khẩu gạo Basmati của Ấn Độ tăng mạnh trong 2 năm qua.

Pakistan hiện nay vẫn là nguồn cung cấp gạo giá rẻ nhất so với các nguồn xuất khẩu khác và ở tư thế đẩy mạnh xuất khẩu với thu hoạch mới nên nhu cầu ổn định. Pakistan cũng sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết với thị trường gạo Iran.

Philippines đã bị cơn bão Haiyan tàn phá nặng nề, theo FAO các khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất chiếm 1/3 tổng sản lượng gạo nước này, vụ chính còn thu hoạch ở miền trung Philippines khi cơn bão đi qua, phá hủy và làm gián đoạn việc gieo trồng vụ hai đang được tiến hành, nhiều phương tiện kho hàng cũng bị phá hủy, cần sự hỗ trợ khẩn cấp để giúp đỡ nông dân gieo trồng mới hoặc trồng lại vào cuối tháng 12, để toàn bộ khu vực này tránh khỏi phải dựa vào viện trợ lương thực. FAO cũng dự báo Philippines sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2014 sau khi 32% vụ mùa gạo bị ảnh hưởng của bão Haiyan. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và bù đắp tồn kho đệm bị thiệt hại do cơn bão gây ra, Philippines đã tổ chức đấu thầu mua 500 ngàn tấn gạo giao ngay từ tháng 12-2013 đến đầu tháng 3-2014 và có thể sẽ nhập tiếp sau đó để đáp ứng nhu cầu.

Mặc dầu có những yếu tố mới, xu hướng thị trường sẽ không thay đổi nhiều, áp lực lớn nhất trong thời gian tới vẫn là tồn kho và bán hạ giá của Thái Lan. Nhập khẩu thêm của Philippines, tăng mua của Trung Quốc, sản lượng Ấn Độ giảm, cũng chỉ giữ ổn định giá thị trường trong ngắn hạn, nhu cầu từ các thị trường khác không cân đối được cung cấp dư thừa, trừ khi có những yếu tố mới phát sinh.

Việt Nam xuất khẩu giảm liên tiếp trong 5 tháng từ tháng 7 đến 11-2013 do thiếu nhu cầu từ các thị trường truyền thống Đông Nam Á. Xuất khẩu tăng từ Trung Quốc và châu Phi không bù đắp được xuất khẩu giảm từ khu vực này. Điểm sáng cuối đường hầm là trúng thầu Philippines 500 ngàn tấn giao hàng từ tháng 12 đến tháng 3-2014. Hợp đồng tập trung này có ý nghĩa lớn vì sẽ giải quyết tồn kho hiện còn trong doanh nghiệp và tiêu thụ lúa gạo đầu vụ Đông Xuân 2013-2014,

Vấn đề chính hiện nay là cân đối xuất khẩu hạn chế do nguồn cung cấp không còn nhiều, ảnh hưởng từ xuất khẩu biên giới trong thời gian qua, tháng 12-2013 và tháng 1-2014 sẽ nóng trong khi chờ thu hoạch vụ Đông Xuân. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện nay cao hơn giá gạo thế giới và đặc biệt cao hơn giá gạo Thái Lan từ 20-25 usd/tấn và cao nhất giữa các nguồn cung cấp ở Châu Á, đây là trường hợp ngoại lệ và tạm thời do nguồn cung cấp đang hạn chế và giá trong nước tăng cao.

Theo Báo Hải Quan