Các thành viên của EU đã bỏ phiếu thông qua Dự thảo GSP giai đoạn 2009 - 2011 vào ngày 11.6 vừa qua; theo đó, mặt hàng giày dép Việt Nam sẽ không được hưởng GSP nữa. Dự thảo này sẽ được trình lên Hội đồng châu Âu xem xét thông qua chính thức (dự kiến vào tháng 7.2008).

Từ trước đến nay, EU luôn là thị trường quan trọng của ngành da giày xuất khẩu Việt Nam. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của da giày Việt Nam đạt gần 4 tỉ USD, trong đó thị trường EU khoảng 2,19 tỉ USD. Dự kiến năm 2008 đạt 4,5 tỉ USD.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã "trưởng thành" trong lĩnh vực da giày xuất khẩu. Vì vậy các điều kiện để tiếp tục hưởng ưu đãi GSP cho nhóm hàng này là không còn. Lefaso cho biết, chính sách ưu đãi thuế quan GSP đóng góp lớn vào sự tồn tại và phát triển của ngành da giày trong các năm qua. Vì vậy việc bãi bỏ GSP sẽ tác động đến doanh nghiệp, tốc độ phát triển ngành và nền kinh tế. Theo tính toán của Lefaso, lợi thế cạnh tranh về giá của ngành da giày Việt Nam sẽ suy giảm so với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Bangladesh. Trung bình mỗi đôi giày xuất khẩu phải chịu thêm thuế nhập khẩu vào EU từ 3,5 - 5%. Như vậy, nếu tính theo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU năm 2007 là 2,19 tỉ USD thì sẽ phát sinh thêm thuế nhập khẩu là 109,9 triệu USD. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng một số đối tác nước ngoài sẽ chuyển đơn hàng sang các nước khác trong khu vực để tranh thủ về lợi thế GSP.

Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày TP.HCM, nhận định các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thiệt hại nặng nhất vì quyết định của EC. Ngành giày da có gần 700 doanh nghiệp, trong đó 70% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số còn lại là doanh nghiệp trong nước (trong đó khoảng 70% thuộc dạng vừa và nhỏ). Ngành da giày có mức độ đầu tư phức tạp từ khâu làm khuôn, đế, may... vì vậy theo ông, muốn chuyển hướng xuất khẩu phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, hiện các doanh nghiệp trong nước cũng đang đối mặt với khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao và tín dụng cho đầu tư hạn hẹp. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất giày da cũng đang chịu áp thuế chống bán phá giá 10% tại thị trường EU.

Nên mở rộng thị trường

Trong thông cáo của mình, Lefaso nhận định các nước có ngành da giày cạnh tranh với Việt Nam hiện nay gồm Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã mất đi lợi thế cạnh tranh về giá và nhân công so với Việt Nam vì chi phí đầu vào tăng rất cao. Indonesia và Bangladesh tuy vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường EU nhưng tình hình an ninh - chính trị chưa ổn định. Vì vậy theo Lefaso, Việt Nam vẫn còn cơ hội về lợi thế cạnh tranh.

Từ sức ép của vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da vào năm 2006, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng những giải pháp như đa dạng hóa thị trường (chuyển sang thị trường Bắc Mỹ, Nhật...), sản xuất nhiều sản phẩm giày kỹ thuật cao và các chủng loại giày không thuộc diện chịu thuế. Đồng thời các doanh nghiệp cũng phối hợp và thương lượng với các nhà nhập khẩu về rủi ro do bị áp thuế, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng tại thị trường EU cũng đã từng bước thích nghi được với mức thuế thay đổi. Đợt này, Lefaso cho rằng các doanh nghiệp cần áp dụng đồng bộ các phương pháp quản lý mới nhằm tiết giảm chi phí quản lý, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới và xem đây là giải pháp cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường EU gặp khó khăn như hiện nay.

Chủ tịch Lefaso - cho biết Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đàm phán với EC để sản phẩm giày dép Việt Nam tiếp tục được hưởng GSP, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp da giày Việt Nam ổn định sản xuất và xuất khẩu sang thị trường EU. EC cần xem xét việc áp mức thuế hợp lý để tránh gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng đến người lao động. Hiện có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc trong ngành da giày và  khoảng 30% lao động của ngành này sẽ bị ảnh hưởng sau quyết định mới của EU. Đặc biệt EC cũng nên xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da Việt Nam vì mức thuế này đã làm giảm đáng kể hàng giày da của Việt Nam vào EU trong hai năm qua.

 

 

 

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp