Theo Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm gần đây xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam.
Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng ngày càng tăng, cụ thể năm 2010 đạt 54,1%, năm 2011 đạt 56,9%, năm 2012 đạt 64% và năm 2013 đạt 66,9%.
Riêng năm 2014, xuất khẩu của khối ngoại đã đạt 101,59 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2013 và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Số liệu của Tổng cục hải quan tháng 11/2014 cũng cho thấy, cộng dồn đến hết tháng báo cáo, trị giá xuất khẩu của các mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 21,8 tỷ USD (chiếm 24,7 % tổng giá trị xuất khẩu của khu vực FDI), máy vi tính, sản phẩm điện tử là 10,2 tỷ USD (chiếm 11,7% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực FDI), hàng dệt may là 11,26 tỷ USD (chiếm 12,9 % tổng giá trị xuất khẩu của khu vực FDI), giày dép là 7,1 tỷ USD (chiếm 8,2% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực FDI).
Đánh giá chung từ đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, việc các doanh nghiệp FDI đạt kết quả tăng trưởng rất cao về xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn, là bởi khối này có nhiều lợi thế về quản trị doanh nghiệp, chiến lược đầu tư bài bản, dài hạn, có sẵn nguồn lực tài chính và thị trường.
Song dưới góc nhìn khác, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, ”sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tự vươn lên để có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, qua đó sẽ tăng cường năng lực của khối doanh nghiệp nội trong bối cảnh kinh tế hội nhập”.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam