(VINANET) - Hiện nay, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày; riêng thị trường EU xếp thứ hai sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày có mức tăng trưởng trung bình hằng năm 16%, đứng thứ 3 sau ngành dệt may và dầu khí.

Toàn ngành có hơn 500 doanh nghiệp sử dụng hơn 650.000 lao động, chiếm tỷ trọng từ 7 đến 12% kim ngạch quốc gia.

Thị trường EU vẫn là đối tác thương mại quan trọng của ngành da giày Việt Nam và luôn chiếm tỷ trọng thị phần nhập khẩu lớn nhất. Năm 2012, toàn ngành xuất khẩu được 8,764 tỷ USD chiếm 7,6% tổng kim ngạch của cả nước và chiếm 10,5% kim ngạch nhóm công nghiệp chế biến, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào EU đạt 3,084 tỷ USD, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tính riêng giày dép chiếm 2,650 tỷ USD chiếm 36,5%, túi xách đạt 434 triệu USD chiếm 28,6%.

Số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam cho thấy, 2 tháng đầu năm 2013 Việt Nam đã xuất khẩu 1,2 tỷ USD hàng giày dép các loại, tăng 18,7% so với 2 tháng năm 2012, tính riêng tháng 2/2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 377,8 triệu USD, nhưng lại giảm 54,1% so với tháng đầu năm 2013.

Hai tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu chủ giày dép sang 41 thị trường trên thế giới, trong đó điểm ra  10 thị trường có kim ngạch đạt trên 36 triệu USD – Hoa Kỳ là thị trường đạt kim ngạch cao nhất, 359,8 triệu USD, chiếm 29,7% - đây cũng là thị trường chiếm  thị phần lớn trong số các thị trường nhập khẩu giày dép của Việt Nam.

Thống kê 10 thị trường trọng điểm xuất khẩu giày dép trong 2 tháng đầu năm 2013

ĐVT: USD
 
KNXK T2/2013
KNXK 2T/2013
Tổng KN
377.891.890
1.200.645.595
Hoa Kỳ
118.186.446
359.857.076
Bỉ
22.975.494
72.716.458
Anh
23.810.216
72.493.573
Nhật Bản
24.823.615
67.643.014
Đức
12.746.824
65.842.426
Trung quốc
24.047.387
60.973.686
Hà Lan
14.577.738
48.849.498
Tây Ban Nha
14.767.282
46.451.537
Hàn Quốc
15.811.923
38.815.424
Italia
8.181.375
36.902.085
(Nguồn: TCHQ Việt Nam)

Theo Bộ Công thương, từ đề nghị của Việt Nam thông qua vận động hành lang và kết hợp trong đàm phán FTA giữa Việt Nam - EU, Ủy ban châu Âu đã chính thức cho phép tất cả các mặt hàng từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP giai đoạn năm 2014 - 2016. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Như vậy, ngành da giày một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng ưu đãi GSP trở lại, sau 5 năm ngưng ưu đãi (từ 1-1-2009). Giày dép của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh hơn tại thị trường EU trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng ổn định, trong đó các doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng đến hết quý 2 và quý 3.

Năm 2013, ngành da giày phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 9,7 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu giày dép sẽ đạt 8 tỷ USD.

Dự báo năm 2013, đơn hàng xuất khẩu của ngành sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản hứa hẹn sẽ đóng góp mức tăng trưởng cao cho ngành do từ cuối năm 2012, Hiệp hội Doanh nghiệp Tokyo đã đưa phái đoàn gồm khoảng 10 doanh nghiệp da giày của Nhật Bản sang Việt Nam tìm hiểu thị trường.

Hơn 50% doanh nghiệp quyết định sẽ chuyển các đơn hàng nhập khẩu da giày từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặc dù còn khoảng 15% lao động chưa trở lại làm việc nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ động được sản xuất. Tình hình sản xuất từ đầu năm đến nay của các doanh nghiệp da giày tương đối khả quan. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành quý 1 đạt 2,46 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giày dép gần 2 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

 
 

Nguồn: Vinanet