Tốc độ tăng xuất khẩu năm 2013 bằng tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại Việt Nam năm 2013 tiếp tục xuất siêu, ước cả năm đạt 863 triệu USD.
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Ngành Công thương đạt nhiều kết quả tích cực
Báo cáo về tình hình công nghiệp và thương mại năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, dưới sự chỉ đạo hiệu quả và sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự cố gắng, nỗ lực chung của các Bộ ngành, địa phương và các cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, ngành Công Thương đã cố gắng phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển chung của cả nước.
Theo đó, sản xuất công nghiệp được thúc đẩy triển khai, qua đó sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012 (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011).
Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực; chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng, nếu tính từ thời điểm 1/1/2013, chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ thì đến 1/12/2013 chỉ số hàng tồn kho chỉ còn tăng 10,2%, là mức tồn kho bình thường.
Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, ngành đã tập trung thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012.
Tốc độ tăng xuất khẩu năm 2013 bằng tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại Việt Nam năm 2013 tiếp tục xuất siêu, ước cả năm đạt 863 triệu USD.
Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến góp vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng.
Năm 2013 tiếp tục là một năm hội nhập quốc tế sôi động. Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã tích cực tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng, các Hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), tăng cường hợp tác trong khối ASEAN, APEC, WTO và các tổ chức quốc tế khác.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... cũng đạt những kết quả quan trọng.
Ngành Công Thương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà ngành công thương đã đạt được đồng thời nhất trí với những định hướng và nhiệm vụ lớn mà ngành đặt ra cho năm 2014 nhằm cùng cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.
Tiếp tục nhấn mạnh nhấn mạnh vai trò quản lý Nhà nước cũng như vận hành nền kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công thương coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách là một ưu tiên hàng đầu.
Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần nghiêm túc triển khai là việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc của Ngành Công thương. Theo đó, trong 6 tập đoàn, 10 tổng công ty hiện nay sẽ tiến hành cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn Dệt may và cổ phần hóa từng phần các tập đoàn, tổng công ty còn lại. 5/10 Tổng Công ty đã cổ phần tiếp tục xem xét lộ trình giảm bớt cổ phần nhà nước.
Cùng với Cổ phần hóa, các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, công khai minh bạch kết quả hoạt động doanh nghiệp và phải thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển của ngành; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ. Chú trọng tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong từng sản phẩm; từng bước giảm gia công, lắp ráp chuyển sang thiết kế, chế tạo và chế tác gắn với ứng dụng các công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngành Công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; kiểm soát giá cả thị trường, chống hàng giả, hàng lậu; tăng cường quản lý, bảo vệ thị trường trong nước trước các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu qua biên giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng điện, than, xăng dầu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch về giá cũng như yêu cầu kiểm soát lạm phát; đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách. Chủ động, tích cực trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định đã ký kết, gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, người dân chủ động khai thác có hiệu quả.