XK tăng trưởng thấp, NK giảm, nhập siêu tăng cao là những điểm đáng chú ý trong bức tranh XNK những tháng đầu năm nay. Với những khó khăn này, cần những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy XK.
Theo Bộ Công Thương, tháng 4, kim ngạch XK ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 12,1% so với tháng 3 và tăng 9,1% so với tháng 4-2012. Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK ước đạt hơn 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ, trong đó, XK của DN FDI (không kể dầu thô) ước đạt 23 tỷ USD, tăng 25,3%. Khối DN này tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng XK. Về giá trị, kim ngạch XK 4 tháng của cả nước tăng 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó đóng góp của DN FDI là 4,7 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 81%).
Đánh giá về kết quả trên, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, XK 4 tháng của DN FDI có mức tăng tương đối khả quan, trong khi DN 100% vốn trong nước chỉ đạt 13,94 tỷ USD là thấp hơn rất nhiều. Bởi XK của DN FDI chủ yếu tập trung vào nhóm hàng công nghiệp chế biến với tỷ lệ tăng trưởng XK cao, nên tăng cao hơn DN trong nước. Tuy nhiên, nếu so sánh với những tháng đầu năm thì mức tăng của khối DN có 100% vốn trong nước đã tiến bộ hơn.
Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận xét, tháng 4 có đột biến là XK tăng trưởng… thấp. So với tháng 3, XK tháng 4 sụt giảm rất lớn, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012 cũng ở mức thấp, “kéo” giá trị XK 4 tháng xuống. Động lực tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm là nhờ nhóm hàng CN chế biến, tăng hơn 28%, còn 2 nhóm khác là nhiên liệu khoáng sản và nông, lâm, thủy sản giảm mạnh do giá giảm sâu. Đặc biệt, trong tháng 4, giá trị XK của mặt hàng nông, lâm, thủy sản và một số mặt hàng nhạy cảm sụt giảm cả về giá XK và lượng. Ví dụ như mặt hàng gạo, thời gian qua, giá gạo Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới, thua xa các nước Thái Lan, Ấn Độ. Dù gạo Việt Nam rất ngon nhưng cách XK của Việt Nam cộng với sự cạnh tranh, điểm yếu về vốn của DN Việt Nam làm cho hạt gạo Việt Nam mất giá.
Ở chiều ngược lại, tháng 4, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 3 nhưng tăng 18,8% so với tháng 4-2012 nâng tổng kim ngạch NK 4 tháng lên 40,19 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Nhìn vào bức tranh XNK có thể thấy, con số nhập siêu từ 300 triệu USD trong tháng 3 đã lên tới 1 tỷ USD trong tháng 4, đồng thời nhập siêu của 2 tháng này đã đánh bật thành tích xuất siêu trong 2 tháng đầu năm, đưa con số nhập siêu 4 tháng ước 722 triệu USD, bằng 1,8% tổng kim ngạch XK.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2012 liên tục xuất siêu, Bộ Công Thương đã cảnh báo rất sớm rằng xuất siêu chỉ là tạm thời và dấu hiệu nhập siêu 4 tháng năm 2013 là tốt. Phân tích từ những mặt hàng cụ thể thì thấy rằng, nhóm hàng cần NK có mức tăng tốt 16,8% như nguyên phụ liệu dệt may da giày, điện tử và linh kiện điện tử, chất dẻo nguyên liệu… Như vậy, “biến” nhập siêu dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước đã phục hồi, tác động tích cực đến XK.
Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng, nhập siêu tăng vì phần lớn giá trị NK thuộc về các DN trong nước, chủ yếu là nhập máy móc, thiết bị, nhất là nguyên, phụ liệu cùng các loại vật tư. Đây là tín hiệu không đáng ngại, thể hiện sự hồi phục bước đầu của các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là đối với một số ngành phục vụ XK như dệt may, da giày, xây lắp, cơ khí, điện thoại di động. Sự thay đổi này trái ngược với tình trạng trầm lắng trong sản xuất, dẫn đến giảm nhu cầu về nguyên, vật liệu như thời gian trước.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn tỏ ra lo lắng, giá cả các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thời gian gần đây có xu thế giảm giá khiến giá trị nhóm hàng này của Việt Nam XK cũng bị ảnh hưởng giảm giá. Còn nhóm hàng thủy sản thì cũng gặp khó khăn do nhu cầu thế giới có xu hướng giảm. Các thị trường chính của thủy sản XK Việt Nam, như EU, Nhật, Mỹ... đều có những khó khăn nội tại khiến lượng tiêu thụ hàng XK từ Việt Nam cũng giảm. Do vậy, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu, Cục Xuất nhập khẩu nghiên cứu và có phân tích giá, đặc biệt là làm việc với các hiệp hội ngành hàng như lương thực, cà phê, ca cao để đánh giá lại thị trường và diễn biến trong tháng 4, từ đó định hướng công tác thị trường 8 tháng còn lại năm 2013, trong đó liên quan đến xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xử lý rào cản thương mại.