Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam 10 tháng đầu năm nay đạt gần 454 triệu USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá ngừ của Việt Nam tháng 10/2013 tiếp tục có mức tăng trưởng âm. Thông thường, đây là thời điểm các thị trường đẩy mạnh NK để đáp ứng nhu cầu cho mùa Giáng sinh và Năm mới, nên XK cá ngừ Việt Nam sang các thị trường chính tăng trưởng mạnh, nhưng năm nay XK cá ngừ của Việt Nam sang 10 thị trường hầu như giảm so với cùng kỳ.
Tính riêng trong tháng 10, trong số 10 thị trường XK cá ngừ của Việt Nam có tới 8 thị trường có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ, trừ EU và Mexico. Xu hướng này cho thấy năm nay XK cá ngừ của Việt Nam khó có thể cán đích 600 triệu USD như năm ngoái.
Với sự sụt giảm này, thị phần của các thị trường 10 tháng đầu năm nay cũng vì thế mà có sự thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ - thị trường XK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam - do bị sụt giảm giá trị liên tục từ hồi tháng 4 tới nay, tỷ trọng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang đây giảm tới hơn 8%. Cùng với Mỹ, tỷ trọng giá trị XK sang thị trường Nhật Bản cũng giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhờ sự tăng trưởng liên tục từ đầu năm tới nay, tỷ trọng giá trị XK sang thị trường EU tăng 7%.
Ngoài sự thay đổi của 3 thị trường chính, đáng chú ý nhất là thị trường ASEAN. Trong khi XK sang các thị trường khác sụt giảm thì khối thị trường này tăng trưởng ổn định nửa đầu năm, sau đó tăng chậm lại và từ tháng 9 bắt đầu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá ngừ sang ASEAN giảm tới 56% trong tháng 10, khiến tổng XK 10 tháng giảm trên 2%.
Vốn dĩ do sự chuyển đổi hình thức khai thác, các DN Việt Nam đã khó có thể đẩy mạnh XK các sản phẩm cá ngừ tươi/sống/đông lạnh có giá trị cao, và thay vào đó chỉ có thể XK các mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp hay thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp).
Số liệu thống kê mười tháng đầu năm nay cho thấy, trong khi XK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang các thị trường tăng hơn 21%, thì XK cá ngừ tươi/sống/đông lạnh giảm tới hơn 20%.Giá trị XK cá ngừ tươi/sống/đông lạnh chiếm tới hơn 54% nên sự sụt giảm của mặt hàng này đã kéo tổng giá trị XK cá ngừ giảm theo.
Nhu cầu NK cá ngừ giảm, nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt, ảnh hưởng mạnh đến XK cá ngừ trong năm nay. Thời gian qua liên tiếp các cơn bão đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam. Vì vậy mà trong 10 tháng đầu năm, sản lượng khai thác cá ngừ tại các tỉnh khai thác cá ngừ trọng điểm đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái: Phú Yên ước đạt 4.200 tấn (giảm 30,5%); Khánh Hòa 2.800 tấn (giảm 20%); Bình Định ước đạt 7.811 tấn (giảm 6%).
Nguyên liệu NK là một giải pháp của DN chế biến XK cá ngừ trong những năm qua. Tuy nhiên, để có được nguồn nguyên liệu này, DN chịu gánh nặng về thủ tục, chi phí và thuế NK.
Trong khi chưa giải quyết được những khó khăn nội tại, trên thị trường thế giới các DN Việt Nam lại đang phải đối mặt với những khó khăn khác. Ngoài những yêu cầu về mặt chất lượng thì nay các thị trường lại quan tâm hơn tới nguồn gốc của sản phẩm khai thác. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm khai thác bền vững tại các thị trường lớn như Mỹ và EU ngày càng tăng.
Các sản phẩm cá ngừ XK sang đây ngoài việc tuân thủ các quy định về mặt chất lượng còn phải đáp ứng yêu cầu khác như phải được chứng nhận “an toàn cá heo”, chứng nhận MSC… Mà để đáp ứng được nhưng yêu cầu này không đơn giản chút nào, bởi lẽ hầu hết hoạt động khai thác cá ngừ của Việt Nam hiện nay hầu hết là tự phát, không có sự quản lý, chưa có sự định hướng. Giờ theo các quy định mới cần phải thực hiện ghi chép nhật ký, thủ tục cho mỗi chuyến biển nhằm giúp truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm khai thác sẽ rất khó khăn.
Thêm vào đó, việc đẩy mạnh XK các sản phẩm cá ngừ đóng hộp đã khiến các DN Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh với các cường quốc về sản xuất cá ngừ đóng hộp như Thái Lan, Ecuador. Về mặt trình độ sản xuất, quy mô và kinh nghiệm chúng ta vốn dĩ đã không bằng họ, thì nay lại thêm vấn đề về nguyên liệu sẽ khiến năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam bị sụt giảm hơn. Mà trong khi chúng ta đang loay hoay tháo gỡ những vấn đề nói trên, thì các nước đối thủ như Thái Lan, Ecuador đang nỗ lực xúc tiến các thỏa thuận thương mại tự do cho các sản phẩm cá ngừ XK sang các thị trường như Mỹ, EU.
Như vậy có thể thấy, XK cá ngừ của Việt Nam thời gian tới sẽ khó khăn hơn. Nếu không có sự quan tâm thích đáng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, và sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong ngành thì dự báo sang năm XK cá ngừ Việt Nam sẽ càng khó.