Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê tháng 12/2014 ước tăng 42,8% so với tháng 11 lên 120.000 tấn, tương đương 2 triệu bao.
Theo Reuters, con số ước tính này phù hợp với mức kỳ vọng của thị trường và giới thương nhân với dự đoán xuất khẩu cà phê đạt 120.000-150.000 tấn.
Cũng theo báo cáo còn của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê cả năm 2014 ước đạt khoảng 1,69 triệu tấn, tương đương 28,17 triệu bao 60 kg, tăng 29,7 % so với năm 2013.
Đồng thời, báo cáo cũng điều chỉnh xuất khẩu cà phê tháng 11/2014 xuống 84.000 tấn từ 95.000 tấn dự báo trước đó.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 12/2014 ước đạt 168.000 tấn, trị giá 338 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê năm 2014 lên 1,73 triệu tấn và 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% khối lượng và 32,2% giá trị so với năm 2013.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2014 đạt 2.096 USD/tấn, giảm 0,86 % so với cùng kỳ năm 2013.
Đức và Mỹ vẫn tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2014 với thị phần lần lượt là 13,65% và 10,02%. Thị trường Bỉ có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,57 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với 11 tháng đầu năm 2013.
Trong một diễn biến khác, thị trường cà phê châu Á tuần kết thúc vào 26/12 khá trầm lắng khi Việt Nam giảm lượng bán ra sau khi giá cà phê kỳ hạn trên sàn London sụt giảm trong khi các nhà xuất khẩu Indonesia chưa vội mua vào và chờ cho đến khi vụ thụ hoạch lên cao điểm vào tháng 3/2015, theo giới thương nhân.
Giá cà phê robusta giao tháng 3/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 8 USD/tấn xuống 1.903 USD/tấn trước khi thị trường đóng cửa nghỉ Lễ Giáng sinh.
Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, đã thu hoạch khoảng 80% diện tích niên vụ 2014-2015, nhưng giá thấp khiến nông dân và nhà xuất khẩu găm hàng chờ giá lên, theo giới thương nhân.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 19/12 cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2014-2015 sẽ giảm 1,77% so với niên vụ trước xuống 149,8 triệu bao do sản lượng tại Brazil, Peru, Indonesia và Việt Nam giảm.
Nguồn: Gafin