Xuất khẩu (XK) cao su trong những tháng qua đã có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng về giá. Vì vậy, các DN cần hết sức chú ý đến chất lượng để nâng cao trị giá cho mặt hàng cao su.
Mặc dù XK cao su có gia tăng về lượng nhưng liên tiếp trong nhiều tháng qua, giá cao su XK giảm thê thảm. Điều này cho thấy, XK cao su thời gian qua vẫn chủ yếu phụ thuộc vào lượng, chưa có đóng góp nhiều của yếu tố giá.
Cụ thể, XK cao su trong 4 tháng tăng 33% về lượng, đạt 266.400 tấn cao su thiên nhiên, trị giá 800,6 triệu USD, đơn giá bình quân đạt 3.005 USD/tấn, nhưng giá trị giảm 8% do giá giảm sâu đến 31% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm về giá tiếp tục “ngấm” sang tháng 5. Trong tháng qua, lượng cao su XK tăng 23%, đạt khoảng 65.000 tấn tương đương 206 triệu USD nhưng giá cao su tiếp tục giảm thêm 5% so với tháng 4. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, nhờ có lượng cao su XK tăng cao nên XK cao su mới đạt trên 331.000 tấn, tăng 42% so cùng kỳ năm trước và kim ngạch XK chỉ giảm khoảng 1% so cùng kỳ năm trước, vượt trên 1,008 tỷ USD.
Lý giải về nguyên nhân này, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, XK cao su trong 5 tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn, giá giảm nhiều trên 30% là do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới chưa phục hồi đầy đủ tại nhiều nước và khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài, dẫn đến nhu cầu cao su bị thu hẹp và giá giảm.
Ngoài ra, giá cao su Việt Nam XK thường thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 2% đến 5% do khách mua lấy cớ vì có một số nguồn cao su không bảo đảm chất lượng và một số doanh nghiệp (DN) không giao hàng đúng hạn. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc là nơi mà cao su của Việt Nam XK sang nhiều nhất, khoảng 60% tổng lượng cao su XK, đã giảm mạnh trong quý I, chỉ còn khoảng 50%.
Trước tình hình này, các DN Việt Nam đã tích cực tìm đến các thị trường mới nổi. Cụ thể, lượng cao su XK sang Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần, Malaysia tăng gấp 4 lần và Đài Loan tăng gần 2 lần. Nhờ vậy, dù giá giảm nhưng lượng tăng kim ngạch XK cao su chỉ giảm ít.
Dự báo của VRA cho thấy, từ quý II, nguồn cung cao su trên thế giới sẽ tăng dần cho đến cuối năm do vào mùa khai thác. Với nguồn cung dồi dào, giá có thể giảm, nhưng khó giảm sâu nhờ chính sách hỗ trợ giá của Chính phủ Thái Lan sẽ thu mua cao su khi giá xuống quá thấp.
Bà Hoa nhận định, khi nền thế giới đang có dấu hiệu phục hồi khá hơn, với xu hướng giá giảm nhẹ nhưng lượng tăng nhanh, kim ngạch XK cao su trong quý II có khả năng vượt quý I.
Trong năm 2012, với khả năng gia tăng sản lượng ước khoảng 6% đến 8% và tăng nguồn tạm nhập tái xuất từ các nước khác cùng với thực tế lượng cao su XK trong 5 tháng đầu năm đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, có khả năng lượng cao su XK năm 2012 sẽ đạt gần 900.000 tấn.
Tuy nhiên, trước diễn biến thị trường như hiện nay nhất là trong bối cảnh giá cao su Việt Nam thấp hơn thị trường thế giới khoảng 2% đến 5%, bà Hoa khuyến cáo các DN Việt Nam cần thận trọng hơn nữa.
Để nâng giá cao su Việt Nam XK ngang bằng với các nước khác, các DN Việt Nam cần đảm bảo chất lượng và nguồn hàng để cung cấp đúng theo hợp đồng, giữ gìn uy tín thương mại để giữ được khách hàng trong thời kỳ khó khăn như hiện nay. Đồng thời, DN thâm nhập sâu vào các thị trường mới nổi và đa dạng hóa thị trường, nhưng vẫn tiếp tục củng cố, duy trì thị trường truyền thống Trung Quốc và tăng cường XK chính ngạch.
Bà Hoa cho biết thêm, trước đây, nhờ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, DN Việt Nam và hiệp hội đã có điều kiện tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhiều ngành hàng đã cải thiện được kim ngạch XK ngay cả vào những năm suy thoái kinh tế trầm trọng của thế giới. Nhưng những năm gần đây, kinh phí hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã giảm hẳn, DN và hiệp hội không được hỗ trợ nhiều từ phía Chính phủ.
Do vậy, trong thời gian tới, VRA sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại từ nguồn của Quỹ Bảo hiểm XK cao su do VRA thành lập và quản lý để giúp các thành viên của Quỹ phát triển năng lực XK, tìm thị trường mới.
(HQ)