Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may sang thị trường Nhật Bản năm 2009 có thể đạt từ 900 triệu USD đến 1 tỷ USD, tăng 18-20% so với năm 2008.

Theo các doanh nghiệp dệt may trong nước, kể từ 1/10/2009, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) có hiệu lực và do đó thuế suất  của hàng dệt may từ Việt Nam vào Nhật Bản sẽ được cắt giảm. Với lợi thế này, hàng dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây cũng được coi là cơ hội để doanh nghiệp dệt may trong nước tưng thêm thu nhập cho công nhân.

Tuy nhiên, Nhật Bản vốn là thị trường tiêu dùng khó tính nên để đạt cột mốc xuất khẩu dệt may 1 tỷ USD cũng là điều không hề dễ dàng, ngay cả khi VJEPA bắt đầu được triển khai trong quí cuối năm nay.

Theo qui định, hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản chỉ được hưởng thuế suất 0% khi sử dụng vải của Nhật Bản, Việt Nam hay ASEAN. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn sử dụng vải đưa từ nước này sang để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hợp đồng gia công. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản đòi hỏi chất lượng sản phẩm khắt khe. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may trong nước phải nỗ lực đồng bộ đầu tư vốn, trang bị dây chuyền và công nghệ cũng như cập nhật mẫu mã mới, tiêu chí chất lượng sản phẩm… để có thể đáp ứng được những tiêu chí về chất lượng. Ngoài ra, thị trường tiêu dùng Nhật Bản nói chung thường rất thận trọng. Đối với phân khúc hàng cao cấp, các sản phẩm không những phải có chất lượng cao và còn phải chứng tỏ sự ổn định chất lượng để có thể chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 10 tháng đầu năm ước đạt khoảng 7,5 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ. Tuy xuất khẩu hàng dệt may vào một số thị trường lớn tại phương Tây như Mỹ, Liên minh châu Âu giảm đáng kể trong 10 tháng nhưng bù lại xuất khẩu vào một số thị trường châu Á quan trọng lại tăng đáng kể, chẳng hạn như Nhật tăng 14%. Hiện, ngành dệt may Việt Nam đang hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD vào năm 2010 và tăng lên 16-18 tỷ USD vào năm 2015.

Nguồn: Vinanet