Với kim ngạch XK tháng 9 đạt khoảng 850 triệu USD, cộng cả 9 tháng đạt trên 6,7 tỷ USD, ngành dệt may có thể nhẹ nhõm cho đích nhắm 9,1 - 9,3 tỷ USD cho XK năm nay. Mục tiêu đạt 3% tăng trưởng là đều có thể thực hiện được.
Có lẽ, trong nhiều năm gần đây, đây là lần đầu tiên ngành dệt may VN chỉ đạt được tăng trưởng ở một con số, tỷ lệ ít ỏi so với tăng trưởng 20% - 30% của những năm trước. Tuy nhiên, dệt may là một trong số ít ngành hàng XK của VN có tăng trưởng XK trong năm 2009.
So với bình diện chung của ngành dệt may các nước XK khác ở khu vực châu Á và trên thế giới thì ngành dệt may VN xem như đã an toàn về đến gần đích. Hiện nay, hầu hết các đối thủ cạnh tranh ở khu vực châu Á của hàng dệt may VN như Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc… đều giảm mức tăng trưởng XK đến 2 con số. Đặc biệt, năng lực cung cấp của các nước này bị giảm sút mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ, EU nên lợi thế chuyển về VN.
Theo Hiệp hội Dệt may VN, tính đến quý 4 này, nhiều DN sản xuất trong nước đã có đơn hàng sản xuất cho mùa sau. Mục tiêu đạt 800 triệu USD/tháng cho 3 tháng còn lại là điều chắc chắn vì quý 4 được xem là mùa XK chính của hàng dệt may. Và đây cũng là thời điểm kim ngạch XK tăng cao hơn vì giá trị đơn hàng của mùa thu-đông luôn cao hơn đơn hàng ở mùa khác.
Tăng trưởng cao ở thị trường mới
Với sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, XK dệt may vào Mỹ đang có dấu hiệu nhích lên so những tháng đầu năm. Ở thị trường EU, hàng dệt may VN cũng có lạc quan như vậy. Ngoài việc đang dần hồi phục đà tăng trưởng ở thị trường chính, hàng dệt may VN đã thành công bước đầu trong việc mở rộng thị trường và đạt được tăng trưởng khá cao ở những thị trường mới như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Na Uy...
Thuận lợi lớn nhất hiện nay của dệt may VN là tăng trưởng vào thị trường Nhật Bản, thị trường lớn thứ 3 của VN. Năm nay, ngành dệt may VN đặt mục tiêu tăng trưởng 20% ở thị trường Nhật và có thể tỷ lệ tăng trưởng sẽ cao hơn. Chính sách ưu đãi miễn thuế trong Hiệp định kinh tế song phương Việt - Nhật (VJEPA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2009 là một động lực lớn để nhà nhập khẩu nước ngoài chuyển đơn hàng sản xuất vào VN.
Thực tế, không đợi đến ngày 1-10, ưu đãi thuế suất 0% đã có hiệu lực nhờ vào chính sách thương mại ASEAN - Nhật Bản ký và có hiệu lực trước đó. Các DN XK hàng đi Nhật cho biết, đến thời điểm này, hàng dệt may XK sang Nhật đã thuận lợi hơn 2 tháng trước đây vì yêu cầu xuất xứ nguồn nguyên phụ liệu cũng đã thật sự thông (dùng nguyên phụ liệu của Nhật, Việt Nam và các nước ASEAN). Ngoài nguồn vải, phụ liệu mua từ Nhật, VN, nguồn hàng mua từ Thái Lan, Indonesia cũng đã có hiệu lực vì Nhật đã ký xong cam kết với các nước này.
Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 cho biết, tỷ lệ sản xuất hàng đi Nhật của Sài Gòn 3 đang tăng cao. Tỷ lệ XK hàng sang Nhật trong năm 2008 chỉ chiếm khoảng 40% thì năm nay hàng xuất đi Nhật chiếm đến 60%. Tổng Công ty May Việt Tiến cũng tăng tỷ lệ xuất hàng sang Nhật, từ 27% năm 2008 nay đã tăng trên 31%.
Trước đây, những thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore chủ yếu nhập hàng từ VN để xuất sang một nước thứ 3 và các nhà nhập khẩu chủ yếu làm vai trò thương mại. Nhưng nay có dấu hiệu nhập hàng để tiêu thụ nội địa tại các nước này, giảm làm thương mại. Và đơn hàng đặt sản xuất phần lớn là hàng FOB (mua đứt, bán đoạn), không gia công nhiều như trước đây.

Ngoài ra, Nga cũng là một thị trường nhiều hứa hẹn cho XK dệt may. Tuy nhiên, rào cản về thuế suất 20 USD/kg sản phẩm vào đây lại là một trở ngại lớn cho DN dệt may VN. Cơ hội này sẽ mở ra thật sự khi 2 nước có những ký kết về thương mại.

Nguồn: Tin tham khảo