Châu Phi đang được xem là “miền đất hứa” cho gạo Việt Nam.Việc hướng đến dòng sản phẩm chất lượng là giải pháp tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2013, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,6 triệu tấn gạo, trong đó châu Phi là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc. Thậm chí, tháng 9/2013, xuất khẩu gạo sang châu Phi lần đầu tiên chiếm đến gần 70% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước, vượt cả thị trường Trung Quốc. Hiện Việt Nam xuất khẩu mặt hàng gạo sang 30/55 nước châu Phi, trong đó những thị trường nhập khẩu nhiều là Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Angola, Cameroon…
Gạo Việt ngày càng chiếm được cảm tình của các thị trường khu vực này nhờ giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt. Hiện giá gạo thơm – một trong những loại gạo có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang châu Phi chỉ bằng một nửa giá gạo thơm của Thái Lan, với chất lượng tương đương. Tuy nhiên, việc phải thanh toán qua trung gian đang là khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này Giá gạo bị đẩy lên cao, doanh nghiệp dễ gặp rủi ro .
Nhưng khó khăn đang phần nào được giải quyết bằng một loạt bản ghi nhớ mà Việt Nam ký với một số thị trường trong thời gian gần đây. Cụ thể, cuối tháng 3/2013, Việt Nam ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo với Ghi-nê, theo đó Việt Nam sẽ cung cấp cho Ghi-nê 300.000 tấn gạo/năm, thời gian từ ngày 1/4/2013 đến 31/12/2015. Đầu tháng 8/2013, Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo với Comoros. Việt Nam sẽ cung cấp cho Comoros 60.000 tấn gạo/năm trong thời gian từ tháng 8/2013 đến hết tháng 12/2015… Ngoài ra, Việt Nam cũng có bản ghi nhớ về thương mại gạo với Cộng hòa Sierra Leone. Những bản ghi nhớ này sẽ giúp DN xuất khẩu giao dịch trực tiếp với đối tác, từ đó giảm thiểu thanh toán qua trung gian.
Hiện châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới với nhu cầu trên 9 triệu tấn gạo/năm, trong đó lượng gạo nhập khẩu khoảng 6,4 - 6,5 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường đầy tiềm năng này, đặc biệt trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo đang gặp khó như hiện nay.
Phân khúc sản phẩm chất lượng
Châu Phi được coi là một trong những thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Nhưng để doanh nghiệp chiếm lĩnh sâu hơn khu vực thị trường này, ông Hoàng Đức Nhuận - Trưởng phòng châu Phi - Vụ châu Phi - Tây Nam Á - Bộ Công Thương khuyến cáo, bên cạnh các sản phẩm gạo có chất lượng và giá cả trung bình vẫn được xuất khẩu đều đặn sang châu Phi, doanh nghiệp nên hướng thêm tới phân khúc sản phẩm có chất lượng tốt như gạo thơm, gạo đồ... Minh chứng là trong năm 2013, có những thời điểm một loạt các sản phẩm gạo sụt giảm sản lượng xuất khẩu thì gạo thơm vào châu Phi vẫn có sự gia tăng đáng kể. Trong 8 tháng/2013, lượng xuất khẩu riêng sản phẩm này đã lên đến 600.000 tấn, chiếm đến gần một nửa tổng lượng xuất khẩu sang thị trường này. Trong hoàn cảnh gạo Việt đang vấp phải sức cạnh tranh rất lớn với gạo giá rẻ từ Ấn Độ và Thái Lan, phân khúc gạo có chất lượng chính là “chìa khóa” giúp DN xuất khẩu tiến sâu hơn vào thị trường còn đầy tiềm năng này.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Đức Nhuận cho rằng, thị trường Nigieria là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với khoảng 2 triệu tấn/năm, chủ yếu là gạo đồ. Tuy nhiên, lượng gạo đồ từ Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi còn thấp do chi phí sản xuất cao: “Những DN lớn, có tiềm năng tài chính nên đầu tư công nghệ để sản xuất loại gạo mà thị trường Nigieria có nhu cầu rất lớn này” ông Nhuận cho hay.
Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Phi, năm 2014, Bộ sẽ tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại tại 2 thị trường trọng điểm, có lượng nhập khẩu gạo lớn từ nước ta là Angola và Bờ Biển Ngà, từ đó đề xuất các thị trường này ký kết những bản ghi nhớ về thương mại gạo để xuất khẩu gạo trực tiếp. Bộ cũng tổ chức mời các doanh nghiệp châu Phi vào Việt Nam để giới thiệu và tìm đối tác xuất khẩu gạo.
Thông qua các Vụ, cơ quan Thương vụ, Bộ Công Thương có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, tư vấn để tránh rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này. Bộ cũng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, mở kho ngoại quan… tại các thị trường để xuất khẩu trực tiếp, giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi xuất khẩu gạo sang châu Phi /. /
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng:
Để ký được một Biên bản ghi nhớ về thương mại gạo với Philippines với lượng vài trăm nghìn tấn, chúng ta khá chật vật và mất nhiều thời gian. Nhưng cũng lượng xuất khẩu như thế, với các thị trường mới và nhỏ hơn như Comoros, chúng ta lại thuận lợi hơn nhiều. Vì vậy, không thể coi thường những thị trường nhỏ. “Tích tiểu thành đại”, nhiều thị trường nhỏ sẽ mang lại hiệu quả như thị trường lớn”.
Nguồn: Thị trường nước ngoài