Kim ngạch xuất khẩu giày dép Indonesia có thể giảm 10% trong năm 2013, do tình trạng bất ổn về lao động, chi phí tiền lương tăng với quy định mức lương tối thiểu mới cao hơn và những tác động bất lợi từ những khó khăn của kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Aprisindo Eddy Widjanarko cho biết Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn là những thị trường tiêu thụ chính, trong khi các nhà sản xuất giày dép Indonesia đang nỗ lực tìm cách thâm nhập và mở rộng tại các thị trường mới có tiềm năng sinh lợi, như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hay các nước khu vực Mỹ Latinh.
Ông Eddy Widjanarko lưu rằng các khách hàng không muốn mua với giá cao hơn, trong khi chi phí sản xuất tiếp tục gia tăng. Tình trạng này sẽ dẫn đến việc đơn đăt hàng giảm và một số doanh nghiệp trong ngành có thể buộc phải thu hẹp hay đóng cửa sản xuất.
Theo số liệu Bộ Thương mại Indonesia, trong năm 2012 nước này đã đạt 3,5 tỷ kim ngạch xuất khẩu giày dép, cao hơn 6% so với 2011 và thặng dư $ 3,13 tỷ USD trong trao đổi mặt hàng này các nước khác.
Aprisindo dự đoán chi tiêu dày giép trong nước của Indonesia năm 2013 sẽ vào khoảng 1,54 tỷ USD, và lưu ý các nhà sản xuất cũng phải vật lộn để tồn tại ngay cả trên thị trường nội địa vì chi phí gia tăng, trong khi lượng giày dép nhập khẩu có thể tăng tới 50%, do nhiều người tiêu dùng Indonesia, đa phần là có thu nhập thấp và trung bình, thích giày dép nhập khẩu có giá rẻ hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc, chưa kể tới tình trạng nhập lậu hay trốn thuế.
Aprisindo hy vọng với mục tiêu tăng gấp đôi thương mại đã được hai chính phủ Indonesia và Đan Mạch nhất trí trong chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Đan Mạch mới đây tới Jakarta sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, bởi giầy dép là một trong những hàng xuất khẩu chính của đất nước “Vạn đảo” sang quốc gia Bắc Âu này.
(Vietnam+/ Aprisindo)