(VINANET) – Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 4/2014, cả nước đã xuất khẩu 284,6 triệu USD mặt hàng hóa chất, tăng 94,08% so với cùng kỳ năm 2013. Tính riêng tháng 4/2014, xuất khẩu mặt hàng này đạt kim ngạch 77,3 triệu USD, tăng 6,2% so với tháng 3/2014.

Việt Nam xuất khẩu hóa chất sang 12 thị trường trên thế giới và thiếu vắng thị trường Anh và Hoa Kỳ so với cùng kỳ năm 2013.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu hóa chất của Việt Nam có kim ngạch đạt cao nhất 80,2 triệu USD, chiếm 28,2% thị phần,  tăng 24,79% so với 4 tháng năm 2014.

Đối với thị trường Trung Quốc, tuy kim ngạch chỉ đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, sau Nhật Bản với 57,1 triệu USD, nhưng tốc độ xuất khẩu hàng hóa chất sang đây lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 2220,52% so với cùng kỳ.

Đứng thứ ba về kim ngạch là thị trường Cămpuchia,  tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hóa chất sang thị trường này lại giảm 61,09%.

Nhìn chung, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hóa chất sang các thị trường đều tăng trưởng ở hầu khắp các thị trường, số thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chiếm gần 70%.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường xuất khẩu hóa chất 4 tháng 2014-ĐVT: USD

 
KNXK 4T/2014
KNXK 4T/2013
% so sánh
Tổng KN
284.629.675
146.656.572
94,08
Nhật Bản
80.267.223
64.320.806
24,79
Trung Quốc
57.110.162
2.461.088
2.220,52
Cămpuchia
6.935.217
17.822.929
-61,09
Italia
6.872.205
6.646.558
3,39
Séc
6.485.176
1.600.800
305,12
Đài Loan
5.918.873
4.867.992
21,59 
Hàn Quốc
5.798.392
3.173.011
82,74

Indonesia

5.157.266
953.557
440,85
Philippin
2.814.575
2.620.009
7,43
Hà Lan
2.743.759
3.007.351
-8,76
Thái Lan
1.012.110
3.454.315
-70,70
Malaixia
811.991
1.353.594
-40,01

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06/5/ 2014 về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

 

Theo đó, cấm xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí hóa học trực tiếp hay gián tiếp với mọi tổ chức, cá nhân. Cấm xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, trừ trường hợp được phép của cơ quan có thẩm quyền cho những mục đích đặc biệt như nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ; xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học; tái xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia thứ ba; Cấm xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, trừ trường hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước; Cấm xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 3, trừ trường hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; xuất khẩu hóa chất Bảng 3 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học mà không có giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia này.

 

Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; thủ tục cấp Giấy phép; thời gian cấp Giấy phép; nội dung của Giấy phép được quy định cụ thể, chặt chẽ tại Nghị định. Với hóa chất Bảng 1, tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Với hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3, tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu được Bộ Công Thương cấp Giấy phép xuất khẩu hoặc Giấy phép nhập khẩu.

 

Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 chỉ cấp một lần cho một hợp đồng trong thời gian tối đa 12 tháng và không được gia hạn. Giấy phép đã cấp không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

 

Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 không phải thực hiện các quy định về cấp Giấy Xác nhận khai báo hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo theo quy định của Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

 

Khi được yêu cầu, tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 phải chấp hành việc kiểm chứng số liệu xuất khẩu, nhập khẩu do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học hoặc Bộ Công Thương phối hợp cùng Cơ quan quốc gia Việt Nam tiến hành.

 

Mẫu vật, thiết bị thuộc danh mục thiết bị được hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học phê chuẩn do Đội Thanh sát mang vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thanh sát thì được miễn khai báo và kiểm tra hải quan; được miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu.

 

Trong vòng 01 (một) năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 và sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này phải bổ sung đủ điều kiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân không bổ sung đủ điều kiện phải tạm dừng hoạt động cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.

 

​NG.Hương

 

Nguồn: Vinanet, Báo Hải Quan

 

Nguồn: Vinanet