Diễn biến thị trường phân bón ở nước ta trong 4 tháng đầu năm nay rất khác thường: Lượng phân bón NK đang giảm khá mạnh, trong khi đó, phân bón XK lại tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa rồi, đã có thêm 228.166 tấn phân bón được NK vào nước ta, trị giá 105,906 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ 2011, lượng phân bón NK trong tháng 4 năm nay đã giảm tới gần một nửa (tháng 4/2011 NK 440.386 tấn phân bón, trị giá 170,594 triệu USD). Tính cả 4 tháng đầu năm nay, lượng phân bón NK cũng giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. 4 tháng đầu năm 2011, nước ta đã NK 1.290.938 tấn phân bón, trị giá 477,647 triệu USD. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, phân bón NK là 848.419 tấn, trị giá 373,278 triệu USD (giảm 34,3% về lượng và 21,9% về giá trị).

Trái ngược với phân bón NK, phân bón XK từ đầu năm đến nay đã tăng rất mạnh. Trong tháng 4 vừa rồi, nước ta đã XK 129.365 tấn phân bón, trị giá 57 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, nước ta đã XK 425.305 tấn phân bón, trị giá 188,169 triêu USD, tăng tới 122,2% về lượng và 173,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 15 ngày đầu tháng 5, lại có thêm 60.424 tấn phân bón được XK, trị giá 27,411 triệu USD. Tính ra, từ đầu năm đến nay, đã có 485.729 tấn phân bón được XK ra nước ngoài.

Những năm trước, có nhiều thời điểm, các DN cũng đã được XK phân bón. Nhưng đó thường là lúc lượng phân bón được NK về trước đó đang bị tồn đọng khá nhiều do nhu cầu trong nước trầm lắng. Thành ra, phân bón XK chủ yếu là phân nhập tái xuất. Lượng phân bón XK của các năm trước cũng không nhiều, nên Tổng cục Hải quan không ghi riêng ra thành một mặt hàng trong danh mục thống kê XK hàng hóa từng tháng và cả năm, mà ghép chung vào nhóm “hàng hóa khác”. 2 tháng đầu năm nay, phân bón cũng chưa đứng thành hàng hóa riêng trong danh mục XK hàng hóa của Tổng cục Hải quan. Nhưng từ tháng 3 trở lại đây, do lượng phân bón XK tăng đột biến, có số lượng và giá trị XK lớn, nên phân bón đã đàng hoàng “có tên” riêng trong danh mục XK hàng hóa.

Theo ông Đỗ Văn Hùng, TGĐ Cty CP Phân bón Việt Mỹ, sở dĩ các DN đẩy mạnh XK phân bón, là do sức tiêu thụ ở thị trường nội địa năm nay khá yếu. Từ đầu năm đến nay, thời tiết nói chung tương đối ổn định, nên nhu cầu sử dụng phân bón giảm so với mọi năm. Mặt khác, do quá thiếu vốn nên các đại lý lấy phân bón của các nhà máy ít hơn trước đây. Vì thế, hầu hết các nhà máy phân bón đều đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, lượng phân bón NK giảm mạnh là do sản xuất trong nước đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của loại phân bón quan trọng. Như phân ure, sản lượng năm nay chắc chắn sẽ dư so với nhu cầu khoảng 1,8 triệu tấn. Phân NPK, sản lượng trong nước hiện khoảng trên 4 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ trên 3 triệu tấn … Còn phân bón XK tăng mạnh là do bây giờ XK phân bón không còn phải chờ cấp phép như trước. Đồng thời, nhiều DN đã tích cực tìm kiếm được thị trường, nên đã đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, ông Thúy cũng cảm thấy bất ngờ với con số gần 500 ngàn tấn phân bón đã được XK từ đầu năm đến nay, vì lượng xuất như vậy là khá nhiều.

Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền và là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cũng cho rằng, XK phân bón đang tăng mạnh là nhờ nhiều loại phân bón trước đây nước ta hầu như chỉ NK, nay cũng đã có thể XK. Chẳng hạn phân DAP, trước đây chỉ có chiều NK vào nước ta. Năm nay, cân đối giữa DAP sản xuất trong nước với nguồn DAP NK tiểu ngạch từ Trung Quốc, thấy có dư so với nhu cầu, nên nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) đã tổ chức XK ra nước ngoài. Nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau cũng đã bắt đầu XK ure. Phân NPK sản xuất trong nước cũng đang được các DN đẩy mạnh XK.

Cũng theo ông Phong, XK phân bón nước ta đang theo 2 dạng: Có thương hiệu và không có thương hiệu (hàng xá). XK phân bón theo dạng thương hiệu mới chỉ có ít DN thực hiện, chủ yếu sang các thị trường gần như Lào, Campuchia … Riêng với Cty Phân bón Bình Điền, trong năm nay, sẽ XK phân bón thương hiệu Đầu Trâu với số lượng khoảng 130 ngàn tấn sang 2 thị trường này (đến thời điểm này đã XK được 60 ngàn tấn). XK phân bón có thương hiệu, DN sẽ có được giá bán tốt hơn, lợi nhuận cao hơn, và quan trọng nhất là sẽ giữ được thị trường ổn định, lâu dài. Còn XK  không thương hiệu (hàng xá), chủ yếu sang các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, châu Phi … XK kiểu này thường chỉ mang tính chất giúp gia tăng sản lượng, giải quyết công ăn việc làm cho các DN. Vì các nhà NK khi nào thấy giá của Việt Nam rẻ hơn nước khác, họ mới mua về để đóng bao rồi tung ra thị trường dưới thương hiệu của họ.

(NNVN)

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt nam