Hiện nay, sau 20 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước với doanh thu xuất khẩu tăng gấp 15 lần trong vòng 10 năm qua và đang trở thành một trong những ngành có sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Cho đến nay, thiết bị và linh kiện điện tử của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với doanh thu xuất khẩu tăng đầu qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng thuộc ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2003-2008 phát triển vượt bậc. Với xuất phát điểm khá thấp là 406,8 triệu USD năm 2003, sang đến năm 2004, kim ngạch xuất khẩu đã đạt tới 657,8 triệu USD, tăng hơn 200 triệu USD so với năm trước, tương đương tăng 61,3%. Với nhiều chính sách nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, với mức kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 1,4 tỉ USD, đưa ngành công nghiệp điện tử trở thành một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD.
Việc hội nhập kinh tế quốc tế thực sự khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO đã mang lại cho ngành công nghiệp điện tử nhiều cơ hội, thể hiện trong sự tăng trưởng nhanh chóng của kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đầy tiềm năng này, năm 2006 đạt 1,5 tỉ USD, năm 2007 đạt hơn 2,1 tỉ USD và ước tính năm 2008, xuất khẩu nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử của nước ta sẽ lên tới 2,75 tỉ USD (tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2007), đưa thiết bị điện tử và linh kiện điện tử lên hàng thứ sáu trong số những sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.
Theo đánh giá chung, ngành công nghiệp điện tử có nhiều khả năng tạo ra sự tăng trưởng đột biến trong thời gian tới và nếu có những định hướng phát triển phù hợp thì đây sẽ là một trong những ngành hàng tạo kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam trong 5 năm tới vì những lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện, điện tử và sản xuất linh kiện máy tính ở Việt Nam đã tăng khá mạnh với nhiều dự án đầu tư rất lớn như dự án đầu tư sản xuất máy in của Tập đoàn Canon, dự án đầu tư sản xuất chíp điện tử, linh kiện máy tính của Tập đoàn Intel và nhiều dự án đầu tư khác của các công ty vệ tinh của các tập đoàn lớn đã có hoạt động tại Việt Nam.
Thứ hai, đối với mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi thế về nhân công đã và đang có sự dịch chuyển từ Malaysia và Thái Lan sang Việt Nam. Riêng đối với Trung Quốc, bên cạnh lợi thế của Việt Nam về giá nhân công thì sự phát triển kinh tế được coi là quá nóng của nước này cũng đang tạo ra sự chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn điện tử lớn của thế giới sang Việt Nam.
Thứ ba, hiện nay về nhu cầu của thị trường thế giới đối với mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính có thể coi là khổng lồ và đầy tiềm năng. Theo đánh giá của chuyên gia từ Trung tâm thương mại quốc tế thì thị trường nhập khẩu các sản phẩm điện tử trên thế giới là rất rộng lớn và có mức tăng trưởng vững chắc. Năm 2005, nhập khẩu các mặt hàng điện tử của thế giới đạt mức trên 400 tỉ USD và tăng khá đều đặn khoảng 8%/năm trong vòng 5 năm qua. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Intel về thị trường máy tính thế giới thì năm 2005 mức tiêu thụ máy tính trên toàn thế giới là vào khoảng 200 triệu chiếc. Trong khi đó, để đạt mức 100 triệu chiếc, thế giới phải mất 17 năm nhưng với tốc độ tăng nhanh như những năm gần đây thì để đạt mức 200 triệu chiếc thế giới đã chỉ phải mất 10 năm và dự kiến trong vòng 5 năm tới con số này sẽ là 300 triệu chiếc.
Như vậy, có thể nói xu thế và khả năng tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện tử và linh kiện máy tính của Việt Nam trong vòng 5 năm tới có nhiều triển vọng. Vấn đề cần đặt ra ở đây là Việt Nam cần có những định hướng rõ ràng cũng như biện pháp cụ thể đẩy nhanh sự tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng này.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay nước ta đang xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang các nước ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Trong thời gian tới có thể hướng tới Trung Quốc, Hồng Kông, EU (nhất là Đức) và đặc biệt là các nước thành viên mới của EU như Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia. Các thị trường mục tiêu được lựa chọn dựa trên cơ sở sau đây:
ASEAN: nhu cầu nhập khẩu những năm gần đây khoảng 25 tỉ USD/năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2007 vào ASEAN chỉ chiếm 3,5% kim ngạch nhập khẩu của nước này, phấn đấu đến 2010, với những lợi thế của AFTA, nâng tỉ lệ này lên trên 5% (đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD).
Nhật Bản: nhu cầu nhập khẩu những năm gần đây khoảng 30 tỉ USD?năm, xuất khẩu của Việt Nam năm 2007 vào Nhật Bản là 269 triệu USD, phấn đấu đến 2010 nâng tỉ lệ này lên trên 3% (đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD).
EU: Nhu cầu nhập khẩu những năm gần đây khoảng trên 484 tỉ USD/năm, xuất khẩu của Việt nam năm 2005 vào EU chỉ chiếm 0,03% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này, phấn đấu đến 2010 nâng kim ngạch trên 1 tỉ USD.
Trước tình hình hiện nay, để có thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra với kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử đến năm 2010 là 4,7 tỉ USD, tốc độ bình quân là 26,7%/năm, tạo công văn việc làm cho khoảng 300.000 lao động cần có biện pháp mạnh mẽ đẩy mạnh xuất khẩu góp phần đạt mục tiêu Chính phủ đề ra.
 

Nguồn: Vinanet