Những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường EU đặt ra sẽ tiếp tục là những trở ngại không nhỏ cho hàng xuất khẩu (XK) Việt Nam ngay cả khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết. Nếu DN không vượt qua thách thức sẽ rất khó tăng kim ngạch XK

Lường trước các rào cản

EU hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương tăng trung bình 15-20%/năm. Năm 2013, XK Việt Nam đạt 24,3 tỷ USD với các nhóm hàng chủ lực gồm dệt may, giày da, đồ gỗ, hải sản, cà phê hạt xanh, chiếm gần 80% kim ngạch xuất sang EU.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, hơn 90% sản phẩm gỗ XK của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, nếu ngành gỗ trong nước không vượt qua được các rào cản phi thuế, sẽ khó tận dụng được cơ hội từ thị trường EU.

Hiện nay, khoảng 80% nguyên liệu gỗ sử dụng trong ngành chế biến gỗ Việt Nam là nhập khẩu trong khi các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Lâm sản (FSC), Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện (VPA), Đảm bảo thực thi Luật Lâm sản, Quản trị và Thương mại (FLEGT) nằm trong số những tiêu chuẩn bắt buộc khắt khe nhất. Mặc dù các tiêu chuẩn này hướng tới những mục tiêu bền vững nhưng tuân thủ theo sẽ ảnh hưởng nhiều tới chi phí sản xuất và giá thành.

Đại sứ Franz Jessen “Thách thức cho hàng XK Việt Nam vẫn còn ngay cả khi FTA Việt Nam - EU được ký kết. Việt Nam cần có những chính sách thu hút mạnh đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, sạch và dành ưu tiên tăng cường mối liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giữa công nghiệp và nông nghiệp”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu tre từ Trung Quốc và một khối lượng lớn mây từ Lào, Campuchia. Để tiếp cận thị trường EU, các nhà XK Việt Nam phải xử lý các yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn (như Tiêu chuẩn chứng nhận và hạn chế hóa chất (REACH) và các quy định về các chất nguy hiểm trong sản phẩm và các yêu cầu về bao bì), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR),…

Trong khi đó, triển vọng XK vào EU của ngành dệt may cũng khá lạc quan, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không vượt qua được các thách thức liên quan tới CSR và quyền lợi của người lao động sẽ khó lòng tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.

Bà Lan chia sẻ, ở nhóm sản phẩm nông - thủy sản XK vào thị trường EU, các biện pháp phi thuế có ý nghĩa quan trọng trong khu vực nông nghiệp bao gồm các yêu cầu về vệ sinh, kiểm dịch (SPS), đóng gói, bao gì, khả năng truy soát nguồn gốc và thủ tục hải quan nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn do EU áp đặt được xếp vào hàng các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới và khó đạt được nhất.

Hướng tới sản phẩm “xanh”

Qua 6 vòng đàm phán, phía EU luôn nhấn mạnh Việt Nam phải tuân thủ môi trường chặt chẽ hơn để hướng tới các sản phẩm “xanh”. Theo Đại sứ Franz Jessen - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, EU có một quy trình chứng nhận, xác nhận liên quan đến vệ sinh dịch tễ rất chặt chẽ và những sản phẩm được công nhận tại thị trường EU phải sản xuất theo công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường. “Việt Nam cần xây dựng một cơ quan đầu mối quốc gia kiểm soát những vấn đề dịch tễ, cũng như chất lượng hàng XK. Mỹ và EU đã có một cơ quan đầu mối duy nhất để kiểm soát chất lượng hàng nông sản. Đáng tiếc là tại Việt Nam, chức năng quản lý này lại bị phân tán ở nhiều bộ, ngành khác nhau” - ông chia sẻ.

Nguồn: Báo Công thương

Nguồn: Báo thương mại