Quí I/2015 xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch chỉ đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, sụt giảm mạnh nhất chủ yếu ở 3 thị trường là: Mỹ, Nhật Bản, Australia. Tôm là mặt hàng có mức giảm lớn nhất, khoảng 30%, cá tra 10,4% và cá ngừ 4%...
Theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản quí I giảm cũng là lẽ thường vì thường đầu năm nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các nước thấp, sau đó tăng dần vào dịp cuối năm để phục vụ lễ Giáng sinh và năm mới. Tuy nhiên, quí I năm nay sụt giảm mạnh nhất so với cùng kỳ của 5 năm trở lại đây.
Sản lượng thủy sản quí I tăng
Theo Tổng cục thống kê, tổng sản lượng thủy sản quí I/2015 ước đạt 1,223 triệu tấn; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 893,7 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 124,5 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 3 tháng ước đạt 511,6 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014,trong đó cá đạt 352,7 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 92,8 nghìn tấn, tăng 6,1%.
Sản lượng thủy sản khai thác 3 tháng đầu năm ước tính đạt 711,5 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 541 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm đạt 31,7 nghìn tấn, tăng 3,3%. Khai thác thủy sản biển 3 tháng đạt 673,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân dẫn tới xuất khẩu sụt giảm
Áp lực của thuế Chống bán phá giá: Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng 3 tháng đầu năm, giá trị XK tại thị trường này của Việt Nam giảm 44% ở hầu hết các mặt hàng. Nguyên nhân chính là do DN Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá ở mức cao.
Biến động tỷ giá ngoại tệ làm giảm nhu cầu NK và giảm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam, sự tăng giá mạnh của đồng USD so với một loạt các ngoại tệ khác như Euro, Yên… khiến cho khách hàng tại các thị trường này hạn chế nhập khẩu hoặc tìm cách giảm giá mua. Như vậy, XK sang hai thị trường chính EU và Nhật Bản vốn đã sụt giảm từ năm trước nay lại càng khó khăn.
Áp lực giảm giá mạnh của đồng Euro, Yên so với đồng USD không chỉ hạn chế đáng kể việc NK thủy sản ở những thị trường này mà còn tác động tới lợi nhuận của các DN XK Việt Nam khi tỷ giá USD/VND không đổi trong khi tỷ giá của các nước XK cạnh tranh (Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…) được linh hoạt hơn, thậm chí là thả nổi.
Giá xuất khẩu bị giảm mạnh, nhất là mặt hàng tôm do cạnh tranh với tôm Ấn Độ đang vào vụ và có giá thấp, vì Ấn Độ không có đủ cơ sở hạ tầng để trữ hàng. Do vậy, trong giai đoạn này, các công ty tôm Việt Nam buộc phải trữ hàng, tránh thua lỗ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến XK tôm giảm giá.
Những vấn đề cần tháo gỡ để đẩy mạnh xuất khẩu
Đề nghị giảm lãi suất vay ngắn hạn:Một số chuyên gia cho rằng nếu không kịp thời có những biện pháp tháo gỡ thì với đà sụt giảm nghiêm trọng ngay từ đầu năm, XK thủy sản năm nay khó có thể cán mốc 8,5 tỷ USD như mục tiêu đề ra. Nhà nước cần giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các DN sản xuất, XK thủy sản xuống dưới mức 7-8% như hiện nay.
Giảm giá thành sản xuất thủy sản: Bộ NN&PTNT cần có giải pháp đồng bộ phối hợp cùng các bên liên quan nhằm từng bước giảm giá thành sản xuất.
Bộ NN&PTNT tăng cường, chủ động hơn nữa phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương trong quá trình chuẩn bị và đàm phán FTA, rà soát nhằm đảm bảo tối đa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam.
Cần giảm cước vận tải, cũng như các loại phí dịch vụ (phụ phí) góp phần đảm bảo giá thành phù hợp cho các sản phẩm thủy sản XK.
Thủy Chung
Nguồn: Vinanet