Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT: Giá trị XK thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 2,41 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,55% tổng giá trị XK. Trong 4 tháng đầu năm, XK thủy sản sang thị trường này đạt 370,25 triệu USD, giảm 30,13% so với cùng kỳ năm 2014. XK sang Nhật Bản cũng giảm đáng kể với mức giảm là 11,31%. XK tăng trưởng ở các thị trường như Thái Lan (tăng 13,52%) và Hà Lan (tăng 0,21%).

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Từ đầu năm tới nay, XK thủy sản liên tục sụt giảm và dự kiến cho tới hết quý II, tình hình chưa có nhiều khởi sắc. Dự kiến, XK thủy sản sẽ tăng ở dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên.

Ở thị trường trong nước, tình hình cũng tương đối ảm đạm. Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục ở mức thấp 22.000-23.000đ/kg, chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Nguyên nhân là do nhà máy chế biến không XK được nên không mua cá vào.

Thị trường tôm nguyên liệu vẫn trầm lắng và giữ giá ở mức tương đối thấp. Giá các loại tôm nước lợ như tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL hiện giảm bình quân 20.000 - 30.000 đ/kg so với tháng trước và đang có mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tại nhiều tỉnh ĐBSCL như: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… tôm sú loại 20 con/kg có giá 240.000 - 250.000 đ/kg, loại 30 con/kg giá 160.000 - 170.000 đ/kg, loại 40 con/kg khoảng 140.000 đ/kg. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg giá 125.000 - 130.000 đ/kg, loại 50 con/kg giá khoảng 110.000 đ/kg, loại 100 con giá 75.000 - 80.000 đ/kg. Với giá tôm hiện nay, các hộ dân nuôi tôm rất khó kiếm lời.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân khiến giá tôm giảm mạnh là do ảnh hưởng bởi nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu NK tôm tại nhiều nước chưa tăng. Hiện sản lượng nuôi tôm nước lợ tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đang hồi phục mạnh sau các đợt dịch bệnh từ những năm trước, trong khi đó, các nhà NK chưa vội ký hợp đồng để chờ giá giảm.

Nguồn: baohaiquan.vn

Nguồn: Hải quan Việt Nam