Xuất khẩu tôm năm 2013 không chỉ mang về cho đất nước hơn 3 tỷ USD mà còn giúp nhiều hộ nuôi trồng thủy sản phất lên trông thấy.
Dự báo năm 2014, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục khởi sắc nếu các hộ nuôi trồng cũng như các doanh nghiệp chế biến kiểm soát tốt được nguồn con giống, môi trường nuôi và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những tín hiệu lạc quan
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một trong những yếu tố thành công của ngành sản xuất tôm trong năm 2013 là nguồn cung tôm trên thế giới giảm do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS). Thêm vào đó là giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu tôm chân trắng tăng cao là những yếu tố chính giúp Việt Nam thu được kết quả trên 3 tỷ USD từ xuất khẩu tôm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia ngành thủy sản, năm nay, tình hình dịch bệnh tôm chết sớm sẽ được Trung Quốc, Thái Lan và Mexico kiểm soát tốt hơn, nguồn cung tôm được cải thiện; giá có thể giảm. Cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam sẽ là nước cung cấp tôm lớn thứ 3 thế giới, bởi Trung Quốc đang chuyển dần sang trở thành nước nhập khẩu tôm do nhu cầu trong nước gia tăng. Do đó, xuất khẩu tôm trong năm 2014 sẽ tiếp tục là điểm sáng và là hy vọng của ngành thủy sản Việt Nam vì những tín hiệu lạc quan về thị trường nhập khẩu.
Thêm vào đó, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vừa ra thông báo chính thức về việc nâng mức dư lượng Ethoxyquin (chất chống oxy hóa sử dụng trong sản xuất thức ăn nuôi tôm) trong tôm Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản lên 0,2 ppm (tăng 20 lần so với mức 0,01ppm hiện nay). Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã quyết định dỡ bỏ quy định kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về Ethoxyquin.
Với sự nới lỏng hàng rào Ethoxyquin cũng như dỡ bỏ quy định kiểm tra 100% Ethoxyquin cho tôm Việt Nam, cộng thêm giá tôm xuất sang Nhật Bản tăng cao do nguồn cung khan hiếm cũng sẽ tăng giá trị lẫn sản lượng mặt hàng xuất khẩu này trong năm 2014. Đây thực sự là tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, với việc nới lỏng hàng rào Ethoxyquin là tín hiệu đáng mừng hứa hẹn đối với các DN xuất khẩu thủy sản. Đây có thể nói là thời cơ cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có nhiều điều kiện tăng tốc và chiếm lĩnh thị trường cao cấp này.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Chu Văn An lại cho biết, doanh thu năm 2013 của Công ty đạt kết quả khá tốt là nhờ được hưởng khá nhiều lợi thế về thuế khóa (Mỹ không đánh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với tôm xuất khẩu).
Theo Vasep, thời gian gần đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính đã hồi phục và tăng trưởng khá mạnh. Mỹ là thị trường có sức tăng trưởng mạnh nhất với 82,5%, giá trị đạt gần 831 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang EU cũng có sự phục hồi ấn tượng khi tăng 31%, đạt trên 409 triệu USD trong năm 2013. Mặc dù xuống vị trí thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam nhưng xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong năm vừa qua đã tăng trưởng khả quan với 708 triệu USD, tăng 14,7%.
Đặc biệt, sau quý III/2013, kinh tế khu vực eurozone được cho là đã thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng thì nhu cầu tiêu thụ được cải thiện cộng với giá tôm trên thị trường này cũng tăng lên do chịu ảnh hưởng chung của nguồn cung tôm toàn cầu giảm đã tạo cơ hội cho tôm Việt Nam.
Duy trì tăng trưởng nhờ kiểm soát chất lượng
Mặc dù những tín hiệu lạc quan về thị trường nhập khẩu cũng như sự nới rộng về việc kiểm tra dư lượng kháng sinh ở Nhật Bản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền vẫn cho rằng, tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do các thị trường chính vẫn chưa thực sự thoát khỏi suy thoái. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hải sản cho chế biến cùng với sự sụt giảm chất lượng nguyên liệu xuất khẩu vẫn là thách thức đối với ngành thủy sản.
Để có hướng đi đúng cho phát triển sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm trong năm 2014, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cần xác định nên phát triển tôm sú hay tôm chân trắng; người nuôi cần kiểm soát tốt được dịch bệnh và chủ động được con giống sạch bệnh và có chất lượng; giải quyết được nạn bơm chích Agar đang bùng phát trong tôm nguyên liệu. Bên cạnh đó, Nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cần đánh giá về việc kiểm soát hội chứng tôm chết sớm của các nguồn cung lớn để tìm cơ hội cho tôm Việt Nam.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong năm 2014 là tăng diện tích và sản lượng nuôi tôm chân trắng nhờ thời gian nuôi ngắn, năng suất cao nhưng cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của việc này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao nên hiện nay người nông dân đã đổ xô sang nuôi tôm chân trắng, kể cả tại vùng nuôi thay vì nuôi tôm sú với tỷ lệ rủi ro cao.
Hiện nay, sản xuất tôm tại các quốc gia lân cận như: Trung Quốc, Thái Lan đang phục hồi sau EMS nhưng phải mất 2 năm các nước này mới đi vào ổn định. Trong khi đó, một nguồn cung khác là Ấn Độ ít bị ảnh hưởng của EMS cũng đang cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, vụ nuôi của nước này lại chậm hơn so với Việt Nam từ 1-2 tháng. Như vậy, theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam nên tận dụng cơ hội của hai quý đầu năm 2014 để đẩy mạnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp chế biến cho rằng, vấn đề khó khăn nhất đối với ngành tôm hiện nay là tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục chảy qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm của Việt Nam nếu như doanh nghiệp Trung Quốc xuất đi các sản phẩm không đảm bảo chất lượng với ghi chú “tôm có nguồn gốc từ Việt Nam.
Một số doanh nghiệp và người nuôi cho rằng, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam có thể đạt con số 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Chủ tịch VASEP, ông Trần Thiện Hải cho rằng, kết quả này có đạt được hay không còn tùy thuộc việc kiểm soát tốt nạn bơm chích tạp chất, tận dụng thời cơ sau EMS và vượt qua khó khăn về thị trường.
Bên cạnh những lợi thế từ các nước nhập khẩu, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep khẳng định: “Thách thức lớn nhất trong năm 2014 vẫn từ khâu nuôi trồng, từ khâu nguyên liệu. Phải kiểm soát chặt ngay từ khâu con giống làm sao sản phẩm của chúng ta đảm bảo an toàn thì mới duy trì được tốc độ xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm thủy sản Việt Nam có sức cạnh tranh tốt”./.
Nguồn:Vietnamplus