Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, sản lượng xi măng cả nước tiêu thụ trong tháng 11 vừa qua đạt khoảng 5,29 triệu tấn. Nếu tính chung sản lượng tiêu thụ xi măng của 11 tháng đầu năm 2013 thì cả nước đạt 55,17 triệu tấn, vượt gần 13% so với cùng kỳ 2012 (48,87 triệu tấn). Đặc biệt, lương xi măng xuất khẩu 11 tháng qua là 12,45 triệu tấn xi măng và clinker, tăng gần 63% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, lượng xi măng tiêu thụ trong thời gian qua tăng lên chủ yếu là do xuất khẩu chứ tiêu thụ nội địa vẫn giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ là một giải pháp tình thế để giải quyết một phần tình trạng dư thừa sản phẩm chứ không phải là một giải pháp có hiệu quả kinh tế đối với xi măng do không được giá. Hiện nay, tình trạng dư thừa xi măng cũng đang xảy ra tại nhiều nước. Ví như Đài Loan mỗi năm sản xuất 23 triệu tấn nhưng thị trường nội địa chỉ tiêu thụ 8 triệu tấn. Nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng đang trong tình cảnh tương tự. Do đó, các nước có nhu cầu nhập xi măng luôn là nơi cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu, nhất là về giá bán. Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Đông Nam Á, trong khối xi măng các nước ASEAN thì xi măng Việt Nam dẫn đầu về công suất thiết kế, sản lượng, nhu cầu nhưng giá bán xi măng nội địa lại rẻ nhất. Nếu như Indonesia là 125 USD/tấn, Brunei là 123 USD/tấn, Malaysia là 105,69 USD/tấn… thì Việt Nam đứng cuối bảng, khoảng 70 USD/tấn. Với xuất khẩu, giá clinker là 36-37 USD/tấn, xi măng là 60 USD/tấn… Hơn nữa, hiện có quá nhiều đơn vị xuất khẩu, thi nhau hạ giá bán thấp hơn giá thành để cạnh tranh lẫn nhau, bán phá giá làm thiệt hại cho DN và Nhà nước (không thu được thuế), làm lợi cho các đơn vị nhập khẩu nước ngoài. Nếu cứ để như hiện nay, hàng năm chúng ta xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn xi măng và clinker, Nhà nước và doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng 80 triệu USD…

Bộ Xây dựng dự báo năm 2013, toàn ngành xi măng đạt mức tiêu thụ khoảng 60,5 triệu tấn, vượt 4,5 triệu tấn so với kế hoạch (56 triệu tấn). Hiện lượng tồn kho xi măng vào khoảng 2,6 triệu tấn, là mức tồn ko bình thường, chỉ tương đương 15 ngày sản xuất. Trong những tháng cuối năm ,nhu cầu xi măng trong nước sẽ tăng lên. Tuy nhiên xuất khẩu vẫn được xác định là một giải pháp tốt để giải quyết tồn kho và để doanh nghiệp có tiền trả nợ. Nguyên nhân là do hầu hết vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp xi măng đều rất thấp, do đó, vốn để SXKD chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Hiện nay dang là giai đoạn các doanh nghiệp phải trả nợ vốn đầu tư.

Trước tình hình này của ngành xi măng, Bộ Xây dựng một mặt khuyến khích các DN xi măng nỗ lực thực thi các kế sách vượt khó, mặt khác khuyến cáo các DN phải cân nhắc hết sức thận trọng về các quy định đầu tư mới, đảm bảo đủ vốn và kiểm soat dòng tiền của mình… Theo tính toán của H ội VLXD, nhu cầu xi măng nội địa trong ba năm 2011-2013 giảm khoảng 14-15 triệu tấn, đến năm 2015 nhu cầu khoảng 60-65 triệu tấn (quy hoạch dự báo 75-76 triệu tấn). Để đối phó trước nguy cơ cung vượt cầu trong khi sức tiêu thụ suy giảm, Bộ Xây dựng đã chủ trương điều chỉnh giảm nguồn cung và đã thực hiện rà soát lại các dự án xi măng có kế hoạch đưa vào vân hành trong giai đoạn 2012-2015. Qua đó, đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đưa 9 dự án xi măng (tổng công suất thiết kế 4,15 triệu tấn) có quy mô công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch 1488; giãn tiến độ đầu tư 7 dự án xi măng (tổng công suất thiết kế 9,73 triệu tấn) có quy mô công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên sang giai đoạn sau năm 2015.

(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)

Nguồn: Vinanet