Con số 89,939 tỉ USD là tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, tăng gần 16,77% so với cùng kì năm 2012. Đây là số liệu thống kê mới nhất (sơ bộ) của Tổng cục Hải quan. Trong đó, NK đạt 45,726 tỉ USD, XK 44,213 tỉ USD. Như vậy, hơn 4 tháng qua cả nước nhập siêu 1,513 tỉ USD, tương đương khoảng 3,4% giá trị XK.

Nhìn vào trị giá kim ngạch XNK và cán cân thương mại những tháng đầu năm, rõ ràng có những dấu hiệu lạc quan hơn so với cùng kì năm 2012. Điều đó chứng tỏ sức khỏe nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi sau nhiều biện pháp điều hành hợp lí của Chính phủ và các bộ, ngành. Điều này hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn cụ thể vào những nhóm ngành hàng NK lớn và XK chủ lực của nước ta.

Trước hết là NK, một trong những mặt hàng có kim ngạch NK lớn nhất là máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt gần 6,24 tỉ USD, tăng khoảng 540 triệu USD so với cùng kì năm 2012. Đại diện một số đơn vị hải quan địa phương có lượng máy móc thiết bị NK lớn cho biết, hàng hóa dạng này chủ yếu được nhập để phục vụ các dự án đầu tư. Các dự án được khởi động nhiều (nên NK tăng) có nghĩa là sẽ góp phần giải quyết vấn đề hàng hóa tồn kho trong lĩnh vực xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm… đặc biệt, với hoạt động thu ngân sách trong lĩnh vực XNK, mặt hàng này cũng sẽ có đóng góp đáng kể (chủ yếu qua thuế Giá trị gia tăng).

Nhóm hàng khác có kim ngạch NK lớn liên quan đến nguyên liệu phục vụ lĩnh vực công nghiệp dệt may, da giày. Cùng thời điểm trên, nhóm hàng này (gồm: bông, xơ, sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày) NK lượng hàng trị giá hơn 5,1 tỉ USD, tăng gần 720 triệu USD so với cùng kì năm 2012.

Trong bối cảnh, nguyên liệu sản xuất 2 lĩnh vực này đang phụ thuộc chủ yếu vào NK thì lượng NK tăng cao như là một hệ quả tất yếu từ nhu cầu sản xuất trong nước tăng mạnh. Bởi quay ngược lại thời điểm này năm 2012, khi nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn thì các loại nguyên liệu đầu vào này đều có giá trị NK giảm mạnh. Cụ thể, từ đầu năm đến giữa tháng 5-2012, bông NK giảm 35,9% về trị giá so với cùng kì 2011; tương tự xơ, sợi dệt các loại giảm 20%; vải các loại giảm khoảng 5,7%.

Trong khi cùng thời điểm năm 2011, trị giá NK mặt hàng bông tăng tới 116%; xơ, sợi tăng trên 65%... Trên thực tế, dệt may, da giày vẫn là 2 lĩnh vực công nghiệp đang tạo nhiều công ăn việc làm nhất ở nước ta hiện nay. Do vậy, sự hồi phục, phát triển của nó có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước.

Đặc biệt, về XK, mặt hàng dệt may đạt tổng giá trị kim ngạch 5,631 tỉ USD, tăng 858 triệu USD so với cùng kì 2012; giầy dép đạt 2,731 tỉ USD, tăng 350 triệu USD so với cùng kì 2012. Tính chung 2 mặt hàng này đóng góp hơn 18,9% tổng kim ngạch XK cả nước, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5.

Liên quan đến hàng hóa XK, nhìn vào cơ cấu được Tổng cục Hải quan thống kê trong thời gian qua cũng thấy xuất hiện dấu hiệu tích cực. Đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của những nhóm hàng có hàm lượng cao về chất xám, công nghệ, đặc biệt là mặt hàng điện thoại và linh kiện. Đến giữa tháng 5, mặt hàng này đã XK trên 7 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi giá trị kim ngạch XK cùng kì năm 2012 (cùng kì mới đạt hơn 3,3 tỉ USD).

Tuy nhiên, đang chú ý là việc XK một số mặt hàng là tài nguyên khoáng sản vẫn ở mức cao dù chủ trương hạn chế XK tài nguyên khoáng sản đã được đưa ra từ nhiều năm qua. Đáng buồn hơn là lượng XK tăng cao nhưng trị giá kim ngạch tăng không đáng kể. Cụ thể, cả nước XK hơn 3 triệu tấn dầu thô, trị giá 2,67 tỉ USD (cùng kì năm 2012 là 2,68 triệu tấn, trị giá 2,6 tỉ USD); than đá hơn 5,4 triệu tấn, trị giá hơn 387 triệu USD (cùng kì hơn 5,28 triệu tấn, trị giá trên 467 triệu USD); quặng và khoáng sản khác 833.655 tấn, trị giá hơn 83,5 triệu USD (cùng kì 2012 gần 314.000 tấn, trị giá hơn 68,6 triệu USD).

Dù vẫn còn không ít lo lắng, còn nhiều mảng màu sáng tối đan xen nhưng nhìn vào kim ngạch XNK và cơ cấu hàng hóa XNK gần 5 tháng qua vẫn mang lại nhiều cảm giác an tâm và hy vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt, mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 10% kim ngạch NK vào năm 2015 được đưa ra trong Chiến lược XNK hàng hóa giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đã được hiện thực hóa từ ngay những tháng đầu năm 2013.

 

Nguồn: Hải quan Việt Nam