Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện 7) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ kết quả cân đối cung - cầu hiện nay, dự kiến năm 2015, than sản xuất cấp đủ cho sản xuất điện với khối lượng khoảng 24,2 triệu tấn. Năm 2016, nhu cầu than cho sản xuất điện khoảng 31,2 triệu tấn, trong đó than trong nước là 27,2-28,2 triệu tấn, than nhập khẩu 3-4 triệu tấn và sẽ tăng dần trong những năm sau.

Than vừa thiếu vừa thừa

Bộ Công thương đã rà soát để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điện 7 và quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Theo đó, nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện sẽ được cập nhật thường xuyên. Định hướng về thị trường nhập khẩu than hiện nay là trong ngắn hạn và trung hạn, nguồn than nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Indonesia, Australia; về dài hạn sẽ mở rộng nhập khẩu than sang thị trường Nga, Nam Phi… Theo đánh giá cân đối cung - cầu của Bộ Công thương, đến hết năm 2015, than khai thác trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Từ năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, nhất là cho sản xuất điện với khối lượng khoảng 3-4 triệu tấn, dự kiến khối lượng than nhập khẩu sẽ tăng dần trong những năm sau. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước được thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, giá than (gồm giá than xuất khẩu và giá than nhập khẩu) phụ thuộc vào từng thời điểm của thị trường đối với từng chủng loại than. Về xuất khẩu than, định hướng hoạt động xuất khẩu than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 89/2008/QĐ-TTg ngày 7-7-2008 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. Theo đó, để bảo đảm việc xuất khẩu than theo hướng giảm dần thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch, chỉ xuất khẩu những chủng loại than trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa sử dụng hết. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than hằng năm. Đơn cử, kế hoạch xuất khẩu than năm 2013 là 11,5 triệu tấn, năm 2014 là 9,5 triệu tấn và năm 2015 là 4 triệu tấn. Như vậy, chúng ta đang xuất khẩu phù hợp với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ xuất khẩu những chủng loại than mà trong nước không có nhu cầu sử dụng như than cục, cám tốt… hoặc chưa sử dụng hết như cám 6 và dưới cám 6…

Theo Bộ Công thương, không phải bây giờ Việt Nam mới nhập khẩu mà đã nhập từ nhiều năm trước đây để phục vụ nhu cầu trong nước. Vừa qua, TKV cũng nhập khẩu hơn 9.500 tấn than phục vụ nhu cầu của Nhà máy Nhiệt điện thuộc dự án bôxit Tân Rai; hơn 41.000 tấn than để phục vụ sản xuất điện. Việc TKV nhập than trong thời gian qua không phải do Việt Nam thiếu than cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà nhập khẩu để thử nghiệm, tìm hiểu thị trường nhập khẩu than thế giới nhằm chuẩn bị cho công tác nhập khẩu than trong thời gian tới và giúp cho Nhà máy Nhiệt điện thuộc dự án bôxit Tân Rai đạt hiệu quả sản xuất cao hơn.

Cân đối cung cầu bằng công nghệ

Để giải quyết bất cập trong việc cân đối cung - cầu giữa xuất - nhập than, cần phải tiếp tục đặt ra bài toán về vốn đầu tư và nghiên cứu đổi mới công nghệ cho ngành than. Theo đó, phải áp dụng các phương pháp tiên tiến trong lĩnh vực quản trị tài nguyên; đẩy mạnh việc thực hiện, tiếp nhận chuyển giao, nhanh chóng làm chủ công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến than; chủ động nghiên cứu, đầu tư chế tạo thiết bị, máy móc, phụ tùng cho ngành than. Cùng với việc nghiên cứu, triển khai các công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm than chế biến phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau trong nước, ngành than cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước có thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tài chính… để đầu tư các đề án/dự án thăm dò, khai thác, chế biến than tại bể than Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời tăng cường đầu tư công nghệ, trang thiết bị cho công tác bảo đảm an toàn lao động, đặc biệt là cảnh báo khí, phòng chống cháy nổ, cảnh báo và ngăn ngừa bục nước, sập hầm…; hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng cấp cứu mỏ; cần đa dạng hóa việc huy động vốn đầu tư theo nhiều hình thức như thuê mua tài chính, thuê khoán, đấu thầu một số hoạt động mỏ, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay thương mại… để đầu tư phát triển các dự án ngành than. Mặt khác, ngành cũng chủ động tìm kiếm các cơ hội và thu xếp nguồn vốn để đẩy nhanh việc đầu tư thăm dò, khai thác than ở nước ngoài dưới nhiều hình thức như liên doanh, mua lại cổ phần, mua mỏ…

Như vậy, theo quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, các giải pháp về huy động vốn đầu tư cũng như nghiên cứu, đổi mới công nghệ là những giải pháp quan trọng thực hiện quy hoạch, giúp ngành than tiếp tục phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Nguồn: Hà Nội