Giá trái cây đặc sản ở đồng bằng sông Cửu Long, như bưởi da xanh, cam sành, bưởi Năm Roi... đang giảm mạnh so đầu tháng 8 vừa qua.

Cụ thể, bưởi da xanh từ mức giá 38 nghìn đồng/kg giảm xuống còn 27 nghìn đồng/kg. Bưởi Năm Roi giá đỉnh điểm 15 nghìn đồng đến 18 nghìn đồng/kg, thời điểm này chỉ còn bảy nghìn đồng đến chín nghìn đồng/kg. Cam sành cũng vậy, khi giá liên tục giảm, từ mức hơn 25 nghìn đồng/kg xuống còn 10 nghìn đồng/kg.

Nguyên nhân là do phần lớn trái cây vùng miền tây đang vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng tăng, trong khi thương lái lại thu mua "nhỏ giọt". Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng các loại trái cây giảm giá vào chính vụ là do thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Khi sản lượng tăng, cung lớn hơn cầu, ắt xảy ra tình trạng hàng tồn, giá giảm.

Vấn đề đặt ra, là cần chú trọng và mở rộng thị trường xuất khẩu để giải quyết đầu ra cho nguồn hàng. Ðiều này, nhiều cơ sở thu mua đã tính đến. Hợp đồng mua bán cũng đã ký nhưng đến thời điểm này lại không thể giao hàng vì thiếu "giấy thông hành" từ ngành kiểm dịch thực vật. Ðó là các giấy tờ liên quan đến vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, GlobalGAP; chứng nhận nhà máy đóng gói đạt chuẩn... 

Thế nhưng, để có được tấm "vé thông hành" này lại không đơn giản. Theo tính toán của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang), phí chứng nhận GlobalGAP cho khoảng 20 ha vườn cây ăn trái dao động ở mức 3.100 đến 3.200 USD. 

Riêng phí chứng nhận VietGAP khoảng 40 triệu đồng/20 ha. Chưa kể nông dân phải mất thêm thời gian một năm để thực hiện khoảng 70 tiêu chuẩn của VietGAP và 234 tiêu chuẩn của GlobalGAP trước khi được cấp giấy chứng nhận. Những chứng nhận này cũng chỉ có giá trị trong vòng một năm. Và chi phí tái chứng nhận cũng không kém chi phí lần đầu là bao.

Chính vì chi phí quá lớn như vậy mà tỷ lệ diện tích trái cây được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP tại vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện quá thấp. Có chăng là do các doanh nghiệp tài trợ hoặc các viện, trường, chính quyền địa phương bỏ tiền ra làm, khuyến khích nông dân tham gia. Các chủ trang trại phần lớn không có kinh phí để tự tham gia chứng nhận theo các tiêu chuẩn này.

Nông sản nước ta muốn thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, nhất thiết cần quan tâm đến các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. 

Trong điều kiện nông dân còn khó khăn về tài chính, Nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí trong việc đăng ký các tiêu chuẩn. Khi đã có "vé thông hành" vào các thị trường quốc tế, nhất định sẽ hạn chế được tình trạng sụt giảm giá nghiêm trọng các mặt hàng trái cây, kể cả khi vào vụ thu hoạch rộ.

Nguồn: Thị trường