Xu-đăng là một nước nông nghiệp. Lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 80%, sản phẩm chính là cao lương, kê, lúa mỳ, bông, lạc, ngô và hướng dương. Xu-đăng rất màu mỡ nhưng vốn đầu tư của nước này vào nông nghiệp rất thấp. Hiện nay Xu-đăng mới canh tác được 50% đất trồng trọt.

Công nghiệp Xu-đăng còn kém phát triển, chủ yếu tập trung vào các ngành dệt, xi măng và chế biến thực phẩm. Xu-đăng còn có các loại khoáng sản: sắt, đồng, mica, vàng, bạc… Trữ lượng dầu lửa của Xu-đăng khoảng 3 tỷ thùng, sản lượng khai thác 500.000 thùng/ngày (2008), xuất khẩu 279.000 thùng/ngày (2004).

Kinh tế Xu-đăng đứng thứ 8 trong số 54 quốc gia ở châu Phi với GDP năm 2008 là 88,95 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2007. Ngành công nghiệp chiếm 24,7% tổng GDP năm 2007, chủ yếu nhờ sản xuất dầu (17,2% GDP). Năm 2008, Xu-đăng xuất khẩu 12,15 tỷ USD chủ yếu là các sản phẩm dầu thô. Ngoài ra, Xu-đăng còn xuất khẩu bông, vừng, lạc, đường… Các thị trường xuất khẩu chính của nước này là Trung Quốc (chiếm tới hơn 50%), Nhật Bản (30%) và Indonesia (4,9%).

Xu-đăng nhập khẩu chủ yếu thực phẩm, các thiết bị máy móc chế tạo, dược phẩm và hoá chất, hàng dệt may và bột mỳ. Năm 2008, kim ngạch nhập khẩu của Xu-đăng đạt hơn 9,3 tỷ USD. Các thị trường cung cấp hàng hoá chính nước này là Trung Quốc, một số nước ở khu vực Trung Đông như UAE và Ả-rập Xê-út, Ấn Độ và Hy Lạp.

Với vị trí và diện tích rộng lớn, Xu-đăng là đất nước có tiềm năng to lớn về nông nghiệp, tài nguyên nước dồi dào và khí hậu đa dạng với những đồng cỏ tự nhiên dài bất tận, những đàn gia súc khổng lồ, tài nguyên rừng và sự giàu có về khoáng sản đặc biệt là trữ lượng dầu lớn vẫn chưa được khai thác triệt để.

Về quan hệ kinh tế, Xu-đăng là thành viên của Liên hiệp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), quan sát viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…. Xu-đăng hiện là thành viên lớn nhất và chủ chốt của thị trường chung khu vực Đông và Nam Phi (COMESA) bao gồm 30 nước với hơn 300 triệu dân, có chính sách ưu đãi đầu tư thương mại trên nhiều lĩnh vực và tiến tới sẽ giảm thuế nhập khẩu trong COMESA xuống 0%. Do vậy, có thể nói, Xu-đăng là cửa ngõ vào thị trường châu Phi và Trung Đông và đang là địa chỉ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trên thế giới.

Với Việt Nam, Xu-đăng thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với nước ta từ 26/8/1969. 40 năm qua, quan hệ hai nước luôn tốt đẹp. Việt Nam và Xu-đăng tuy cách xa về địa lý nhưng hai nước đã thiết lập và duy trì được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp.

Hiện Xu-đăng đang mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Xu-đăng sẵn sàng dành cho Việt Nam 15.600 ha để trồng lúa cao sản trồng rừng và nuôi cá.

Những năm gần  đây kim ngạch trao đổi thương mại hai nước đã có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Nếu như năm 2002, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt 0,96 triệu USD thì năm 2008 đã tăng lên 63,4 triệu USD. Việt Nam xuất sang Xu-đăng 23,9 triệu USD với các mặt hàng chính như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hạt tiêu, sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu thuốc lá, gạo, cà phê, cơm dừa… Năm 2008 cũng là năm cán cân thương mại hai nước đã nghiêng về phía Xu-đăng với kim ngạch xuất khẩu  đạt 39,5 triệu USD. Trong đó, những sản phẩm Việt Nam phải nhập khẩu chủ yếu từ quốc gia này là thép phế liệu, xăng, máy móc… Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Xu-đăng trong 6 tháng đầu năm mới đạt 14,75 triệu USD và nhập khẩu từ Xu-đăng là 0,75 triệu USD.

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều hành động tích cực nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước và đang tích cực triển khai “Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – châu Phi giai đoạn 2004-2010”, trong đó có Xu-đăng.

Tại Hội thảo “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Xu-đăng”, đại diện phía Xu-đăng đã đưa ra những lời khuyên cho các nhà đầu tư Việt Nam khi đến Xu-đăng: Bộ Đầu tư Xu-đăng có dịch vụ hành chính công dành cho các nhà đầu tư. Tại đây, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được bảo vệ, hỗ trợ thực hiện mọi việc một cách chính xác và nhanh chóng. Doanh nghiệp Việt Nam nên đích thân đến Xu-đăng khi quyết định đầu tư để theo dõi sát sao dự án của mình cũng như xin tư vấn từ các chuyên gia đầu tư; không nên bán dự án, thay đổi hoạt động hay bán thiết bị cho tới khi dự án hoàn thành và triển khai; nắm chắc Luật đầu tư cùng những quy định và điều kiện thi hành vì chúng sẽ giúp việc đầu tư của doanh nghiệp thành công và đóng vai trò trong phát triển kinh tế của cả hai nước; thường xuyên báo cáo đầy đủ tiến độ dự án với Bộ Đầu tư Xu-đăng để có tên trong danh mục các dự án đầu tư đặc biệt.

Là quốc gia chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp (cung cấp việc làm cho khoảng 70% dân số), Xu-đăng được miêu tả như một vựa lúa của Trung Đông mang tiềm năng vô cùng lớn ở vùng đất gần sông Nil… Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp của nước này còn kém phát triển và cần nhiều vốn đầu tư vào các hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông, máy móc nông nghiệp và xuất khẩu nông sản, Việt Nam có thể hợp tác với Xu-đăng trong những lĩnh vực này.

Hiện còn có rất nhiều tiềm năng cho việc mở rộng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực ngoài nông nghiệp như dầu khí, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, dược phẩm… Bên cạnh đó, để quan hệ thương mại song phương phát triển hơn nữa cần có sự hỗ trợ, hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải. Để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mai giữa hai nước lên tầm cao mới, Phó Vụ trưởng vụ Thị trường Châu Phi , Tây Á, Nam Á kiến nghị, hai chính phủ tiếp tục thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thông qua việc ký các hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, hiệp  định hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, vận tải, dầu khí.

Hai nước nên khuyến khích các doanh nghiệp tham dự hội chợ triển lãm, hội thảo… được tổ chức tại mỗi nước; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành các dự án đầu tư, mở văn phòng đại diện…

Vì cách xa về địa lý nên vấn đề thông tin liên lạc rất quan trọng, hai nước cần trao đổi thông tin liên quan đến chính sách thương mại, đầu tư và các hoạt động xúc tiến thương mại.

 

Nguồn: Vinanet