Nếu Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU (FTA Việt Nam - EU) được đàm phán và ký kết sẽ có tác động tích cực đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và EU.

Nhận định nêu trên đã được các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo “Đàm phán FTA Việt Nam – EU: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam?”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP III, EU tài trợ, Bộ Công Thương là đối tác thực hiện) tổ chức ở Hà Nội ngày 2/3/2011, trong khuôn khổ chương trình vận động chính sách của cộng đồng DN Việt Nam.

EU là hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2010, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (đạt 12 tỷ USD), và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (đạt 5,53 tỷ USD) của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam tuy là một đối tác nhỏ của EU song được coi là một thị trường đầy tiềm năng bởi có nền kinh tế đang phát triển nhanh, thị trường dân số trẻ có khả năng hấp thụ hàng hoá, dịch vụ lớn, là địa chỉ đầu tư ổn định, hấp dẫn.

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU đang phát triển ấn tượng. Năm 2010, Việt Nam và EU đã ký tắt Hiệp định Đối tác, hợp tác toàn diện (PCA) và đồng thuận xem xét nghiên cứu đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Các chuyên gia nhận định, việc đàm phán và ký kết FTA Việt Nam – EU sẽ được hiện thực hoá trong thời gian tới. Với tính chất là một hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu trong hầu hết các lĩnh vực thương mại (hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ…), FTA Việt Nam – EU sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành sản xuất cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Theo nghiên cứu của MUTRAP III, FTA Việt Nam – EU được ký kết xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 4%/năm (6%/năm đối với các mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ…); nhập khẩu của Việt Nam từ EU có thể tăng trưởng 3,1%/năm; đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam cũng có thể gia tăng nhờ các cam kết mức độ tự do cao hơn và chất lượng đầu tư sẽ được cải thiện hơn. Các tác động tới các ngành kinh tế khác của Việt Nam cũng như với giá cả trong nước, mức lương và việc làm cho người lao động… cũng có thể được cải thiện.

Nghiên cứu một số FTA của các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã ký kết với EU cũng cho thấy đều có tác động rất khả quan đến nền kinh tế của họ. Chẳng hạn FTA Mexico - EU có hiệu lực năm 2000, đến năm 2008 trao đổi thương mại giữa Mexico và EU đã tăng 207% so với năm 1999; trong đó, xuất khẩu của Mexico vào EU tăng 228%, nhập khẩu của Mexico từ EU tăng 196%, lao động, việc làm và chuyển giao công nghệ của Mexico được cải thiện rõ rệt. Hay trao đổi thương mại giữa Nam Phi với EU cũng tăng mạnh kể từ khi FTA Nam Phi – EU có hiệu lực năm 2000 với nhập khẩu từ EU năm 2008 tăng 160% so với năm 2001, xuất khẩu vào EU tăng 143% so với năm 2001.

Số liệu thống kê của MUTRAP III cho thấy, từ năm 2005 đến nay, xuất khẩu của Việt Nam vào EU trung bình mỗi năm chiếm 17% kim ngạch xuất khẩu cả nước. 5 sản phẩm dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU là giày dép, dệt may, cà phê, thuỷ sản, đồ nội thất. Hiện EU đang áp mức thuế suất nhập khẩu với hàng hoá Việt Nam bình quân khoảng 4,1%. Tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào EU vẫn bị áp thuế cao hơn mức trung bình như dệt may là 11,7%; thuỷ sản 10,8%; giày dép 12,4%...; thậm chí một số mặt hàng có mức thuế lên tới 57%. Một số sản phẩm xuất khẩu sang EU cũng đã gặp khó khăn trong vấn đề hưởng thuế quan ưu đãi (GSP)…

Theo ông Claudio Dordi, chuyên gia dự án MUTRAP III, nếu FTA Việt Nam – EU được ký kết, EU sẽ miễn giảm thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mang lại lợi thế so sánh quan trọng cho hàng hóa của Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh khác lưu thông trên thị trường EU, giảm nguy cơ không được hưởng GSP. Việt Nam cắt giảm thuế theo FTA giữa hai bên cũng được hưởng lợi khi EU xuất khẩu các mặt hàng công nghệ, nguyên liệu, thương mại, dịch vụ… có chất lượng cao vào Việt Nam góp phần trong dài hạn giúp tăng năng lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam; mặt khác, Việt Nam cũng sẽ cải thiện được khung pháp lý trong nhiều lĩnh vực phi thương mại tốt hơn.

Theo phân tích của chuyên gia, việc đàm phán và ký kết FTA với Việt Nam phía EU kỳ vọng qua đó sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam hướng tới mục tiêu ASEAN và các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…; tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ của EU; đảm bảo việc tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các mục tiêu chính sách phi kinh tế (môi trường, các vấn đề xã hội…) tại Việt Nam. Các lĩnh vực quan trọng EU quan tâm khi đàm phán và đòi hỏi Việt Nam mở cửa thị trường có thể sẽ là là công nghiệp ôtô; điện tử và các sản phẩm công nghệ cao; rượu vang và rượu chưng cất; thực phẩm chế biến, pho mát..; dược; các dịch vụ như tài chính, viễn thông, hàng hải, y tế, giáo dục, phân phối…

Cũng giống các FTA Việt Nam đã ký với các nước khác, bên cạnh những tác động tích cực thì vẫn có những ngành, những đối tượng sẽ phải chịu tác động bất lợi từ việc mở cửa thị trường nếu FTA Việt Nam – EU được ký kết. Để tận dụng cơ hội từ FTA Việt Nam - EU, theo các chuyên gia của MUTRAP III, DN Việt Nam cần quan tâm tới qui tắc xuất xứ trước các cuộc đàm phán. Việc cam kết cắt giảm thuế quan trong đàm phán là chưa đủ mà Việt Nam cần quan tâm, nắm bắt các giá trị gia tăng cao hơn như các kênh phân phối tại EU, xây dựng thương hiệu quốc gia, hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường và xã hội, quan tâm tới người lao động, quyền sở hữu trí tuệ.

Nguồn :ttnn.com.vn

Nguồn: Vinanet