1. Xuất khẩu:
Doanh nghiệp Chi Lê được xuất khẩu tất cả các mặt hàng, trừ mặt hàng đồng do nhà nước quản lý. Chi Lê chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thông qua việc yêu cầu giấy phép xuất khẩu, kiểm tra chất lượng sản phẩm và vệ sinh thực vật đối với một số sản phẩm chịu sự kiểm tra của Cục thực phẩm và dinh dưỡng (DAN) và cơ quan Y tế Quốc gia (SNS) thuộc Bộ Y tế, Cơ quan quản lý nông nghiệp và vật nuôi (SAG), thuộc Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Thuỷ sản quốc gia Chi Lê (SERNAPESCA).
2. Nhập khẩu
Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia và nền kinh tế chưa ký hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Chi lê, chỉ chịu một mức thuế suất duy nhất là 6%. Các trường hợp đặc biệt bao gồm:
• Các sản phẩm theo hạn ngạch: những sản phẩm có hạn ngạch nhập khẩu là lúa mì, gạo, đường, dầu thực vật và thịt. Mức thuế cho các hạn ngạch của từng sản phẩm một được quy định tuỳ theo nguồn gốc sản phẩm, chất lượng và các tiêu chuẩn cụ thể cho từng sản phẩm.
• Các sản phẩm điện tử: bao gồm tất cả các sản phẩm điện tử nhằm phát triển công nghệ kĩ thuật và giáo dục như: máy vi tính, linh kiện, phần mềm tin học, máy ảnh kĩ thuật số, máy chụp ảnh, máy thu hình, máy phát hình, máy chiếu, v.v… và tất cả các sản phẩm khác có thể sử dụng với mục đích giáo dục và phát triển công nghệ đa phương diện và số hoá đều được ưu đãi mức thuế 0% trên giá trị CIF.
• Các sản phẩm thể thao: tất cả mọi sản phẩm thể thao hoặc sẽ được sử dụng với mục đích luyện tập thể dục thể thao, hoặc giúp đỡ việc tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho công chúng, sẽ được miễn thuế.
• Các sản phẩm với mục đích sử dụng quân sự: các sản phẩm mang tính chất quân sự hay chiến lược đều được đánh giá khác biệt. Các sản phẩm mang tính chiến lược này không có các thông tin đầy đủ liên quan, mà cụ thể do các hoạt động trao đổi mua bán của Chính phủ quyết định.
• Các sản phẩm xa xỉ phẩm: Toàn bộ các sản phẩm không nhằm phục vụ các nhu cầu tối thiểu, hoặc sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc phục vụ quyền lợi hay sự phát triển của cộng đồng trong đó bao gồm xe ô tô đắt tiền, đồ trang sức, các tác phẩm nghệ thuật hay các tác phẩm trang trí và các sản phẩm vượt quá một mức giá nhất định đều được đáng một mức thuế phụ thu ở mức 50 – 100% giá trị CIF, ngoài mức thuế chung là 6%. Ví dụ, nhập khẩu ô tô với giá nguyên chiếc cao hơn 14.500 USD/chiếc, hoặc các đặc điểm kĩ thuật vượt quá các thông số đã định, ví dụ như dung tích xylanh (cm3) của động cơ, các sản phẩm này cũng sẽ phải chịu mức thuế xa xỉ phẩm.
• Thuế hải quan: Hải quan Quốc gia Chi Lê với khả năng kiểm định các khai báo hải quan về giá trị CIF của một sản phẩm. Nếu giá trị này nhỏ hơn với các số liệu lưu trong cơ sở dữ liệu, hải quan sẽ triệu tập nhà nhập khẩu và yêu cầu giải thích lý do. Nếu các không chứng minh được sự hợp lý, hải quan quốc gia có quyền THAY ĐỔI giá trị CIF bằng GIÁ TRỊ HẢI QUAN, tương đương với mức giá tham khảo trong cơ sở dữ liệu. Trên cơ sở này hải quan sẽ tính lại thuế phải trả cho các sản phẩm. Ví dụ trong trường hợp một cá nhân, hay một tổ chức khai báo đang nhập khẩu một màn hình Plasma 42” với giá trị 100 USD theo giá trị CIF. Hải quan sau khi cân nhắc tất cả các sản phẩm đồng dạng và tính năng, đi đến kết luận là giá trị của sản phẩm này tối thiểu là 500 USD, thì hải quan sẽ đổi giá trị khai báo CIF thành giá trị hải quan và đánh thuế trên giá trị hải quan.
• Tạm nhập
Các mặt hàng tạm nhập cho việc tham gia triển lãm và trưng bày tạm thời phải được Chính phủ Chi Lê chấp thuận, không phải trả thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT).
Đối với các mặt hàng nhập khẩu tham gia những triển lãm được Chính phủ Chi Lê chấp thuận thì có thể để lại Chi Lê trong vòng 6 tháng nhưng phải được cất giữ trong kho.
Các mặt hàng nhập khẩu cho mục đích trưng bày tạm thời phải được người sử dụng cuối cùng là cư dân Chi Lê hoặc người mua tiềm năng xin giấy chứng nhận tạm nhập từ cơ quan Hải quan Chi Lê và được tính thuế trên số ngày thực tế ở Chi Lê.
• Yêu cầu về mác nhãn và ký mã hiệu
Các mặt hàng nhập khẩu thông thường được tiêu thụ rộng rãi tại Chi Lê, phải được ghi nước xuất xứ trên bao gói mác nhãn sản phẩm trước khi đem bán tại Chi Lê. Các mặt hàng được bao gói phải được ghi ký mã hiệu thể hiện chất lượng, vệ sinh, nguyên liệu hoặc sự pha trộn, trọng lượng tịnh hoặc phương pháp phân lượng.
Các mặt hàng thực phẩm đóng hộp hoặc bao gói nhập khẩu vào Chi Lê phải có nhãn mác bằng tiếng Tây Ban Nha đối với tất cả các nguyên liệu, bao gồm cả phụ liệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tên nhà sản xuất hoặc nhập khẩu. Kích cỡ và trọng lượng tịnh phải được chuyển đổi theo hệ mét. Nếu không, các mặt hàng này vẫn có thể được nhập khẩu nhưng không được bán cho người tiêu dùng đến tận khi được chuyển đổi sang hệ mét. Việc chuyển đổi hoặc dán lại mác nhãn có thể được thực hiện tại Chi Lê và sau đó bán cho người sử dụng cuối cùng.
• Các mặt hàng cấm nhập khẩu
- Các loại xe ô tô để vận chuyển hành khách và hàng hóa đã qua sử dụng. Ngoại trừ xe cấp cứu, ô tô bọc thép, nhà di động, xe tù, xe rửa đường, xe phục vụ sản xuất xi măng đã qua sử dụng (chịu 10% thuế nhập khẩu + 19% thuế giá trị gia tăng).
- Các loại xe máy đã qua sử dụng.
- Săm lốp đã qua sử dụng.
- Amiăng ở bất cứ hình thức nào.
- Văn hoá phẩm đồi trụy.
- Chất thải công nghiệp độc hại
• Tiêu chuẩn
Viện Tiêu chuẩn Quốc gia (INN) đã đưa tiêu chuẩn ISO 9000 vào một trong số các tiêu chuẩn của Chi Lê. Ngành công nghiệp hóa chất là một trong số ít các ngành công nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000 vào dây chuyền sản xuất công nghiệp của ngành.
Tiêu chuẩn nói chung không có tính chất bắt buộc mà các công ty có thể tự nguyện áp dụng. Tuy nhiên, một số sản phẩm nhập khẩu có liên quan đến an toàn công nghiệp, xây dựng, vật liệu xây dựng, khí, điện v.v… phải tuân thủ các quyết định đặc biệt.
• Khu vực thương mại tự do
Chi Lê có hai khu vực thương mại tự do, là Khu Thương mại tự do Iquique (ZOFRI) ở cực bắc Chi Lê (Khu vực I) và Khu Tự thương mại tự do Punta Arenas ở cực Nam Chi Lê (Khu vực XII). ZOFRI bao gồm các cảng miễn thuế Arica và Iquique. Punta Arenas cũng có một cảng miễn thuế. Các khu thương mại này đều có các thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất, đóng gói và xuất khẩu. Hàng hoá xuất khẩu của các nước qua khu thương mại tự do Iquique Chi lê, để đến các nước trong khu vực Nam Mỹ.
Yêu cầu về thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng ở khu vực thương mại tự do được quy định như sau:
Các mặt hàng nhập khẩu vào và để lại khu vực thương mại tự do của Chi Lê không phải trả thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng;
a. Các mặt hàng nhập khẩu rời khỏi khu vực thương mại tự do nhưng vẫn nằm trong khu vực I hoặc XII (được xem là các khu vực miễn thuế mở rộng) được tính 6% thuế suất nhập khẩu nhưng không phải trả thuế giá trị gia tăng;
b. Các mặt hàng nhập khẩu rời khỏi khu vực thương mại tự do để vào thị trường Chi Lê phải trả đủ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
c. Các mặt hàng nhập khẩu có thể gửi vào kho ngoại quan trong một khoảng thời gian, được gia hạn trong khi chờ chuyển tải sang các nước khác, tùy theo thỏa thuận với Hải quan Chi Lê.
Các mặt hàng nhập khẩu có thể để tại kho hải quan Chi Lê trong vòng 90 ngày. Nếu những mặt hàng này không có người nhận sau thời gian 90 ngày, Hải quan Chi Lê sẽ thông báo hàng không thừa nhận và đem bán đấu giá.
• Chứng từ cần thiết để xin phép nhập khẩu hàng hoá vào Chi Lê bao gồm:
(a) Hoá đơn thương mại, do nhà xuất khẩu cung cấp theo đúng luật pháp hiện hành của nước xuất xứ.
(b) Vận đơn, tuỳ thuộc vào loại phương tiện vận chuyển cung cấp bởi các hãng vận chuyển.
(c) Giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm, do các phòng thí nghiệm hay các phòng kiểm định chất lượng liên quan về đảm bảo chất lượng xuất khẩu cấp. (Áp dụng cho hàng nông sản, thuỷ sản, máy móc thiết bị) (d) Các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xuất khẩu.(e) Quy chuẩn an toàn, do các cơ quan chức năng của Chính phủ cấp cho nhà xuất khẩu tại nước xuất xứ, dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.(F) Phiếu đóng gói hàng hoá, do nhà xuất khẩu cung cấp.
(g) Giấy phép đăng ký sản phẩm, tuỳ theo chủng loại sẽ được cấp tại ISP hoặc SAG - Chi Lê, hoặc cả hai. (Áp dụng cho hàng nông sản, thuỷ sản) (h) Chứng nhận chất lượng hàng hoá, cấp cho nhà xuất khẩu thông thường bởi các tổ chức kiểm định hàng hoá quốc tế như SGS, Bureau Veritas v.v..
(i) Các giấy chứng nhận đặc chủng nếu cần thiết.
• Các quy định nhập khẩu đặc biệt
Việc nhập khẩu các dược phẩm đặc biệt, mỹ phẩm và hầu hết các chế phẩm sinh học và sinh hoá cần phải đăng ký trước với Viện Y tế Công cộng và có thể phải tuân theo các yêu cầu đặc biệt về mác nhãn và một số yêu cầu khác, phụ thuộc vào bản chất của từng sản phẩm.
Các mặt hàng nhập khẩu bị coi là trái với các tiêu chuẩn về đạo đức, sức khoẻ cộng đồng, an ninh quốc gia hoặc môi trường của Chi Lê phải có giấy phép nhập khẩu đặc biệt vào Chi Lê. Các loại phim ảnh, video, chương trình TV nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước đều phải được xem xét tính chất phù hợp.
Vũ khí có thể được nhập khẩu vào Chi Lê nhưng phải có giấy phép đặc biệt từ một chính quyền quân đội của Chi Lê.
 
Nếu các sản phẩm thông thường nhưng, có nguồn gốc từ một khối hay một nước đang có các thoả thuận thương mại hoặc hiệp định thương mại tự do với Chi Lê thì các sản phẩm này sẽ được đánh thuế căn cứ vào mức thuế đã được thoả thuận.
Thanh toán quốc tế và các phí ngân hàng liên quan đến thương mại tại Chi Lê:
Một số phương thức thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp Chi Lê thường áp dụng trong khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu:
- Trả tiền bằng điện (T.T.R): Là khoản chi trả bắt buộc cho những thương vụ đầu tiên giữa hai doanh nghiệp xuất và nhập khẩu, vì hai bên chưa có quan hệ tín nhiệm lẫn nhau nên người nhập khẩu phải trả giá trị hàng hoá trước khi hàng hoá được xếp lên tầu. Trong trường hợp này người xuất khẩu phải chịu trách nhiệm cung cấp gần như toàn bộ các chứng từ cần thiết của hoạt động mua bán và chuyển giao chúng cho người mua để có thể nhận được khoản tiền thanh toán.
- Thanh toán theo phương thức nhờ thu: Chấp nhận hối phiếu để nhận chứng từ nhận hàng (D/A), hay trả tiền hối phiếu để nhận chứng từ nhận hàng (D/P). Cách thanh toán này được sử dụng nhiều nhất so với các phương thức thanh toán khác tại Chi Lê, tuỳ theo quan hệ tín nhiệm giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Các doanh nghiệp Chi Lê cho rằng đây là cách tiết kiệm nhất khoản phí phải trả cho ngân hàng, so với phương thức thanh toán bằng thư tín dụng.
- Thư tín dụng (L/C):
Theo các doanh nghiệp Chi Lê, đây là phương thức thanh toán phức tạp và tốn kém đối với họ trong các phương thức thanh toán của thương mại quốc tế đang được áp dụng tại Chi Lê. Tuy nhiên theo phía ta, đây lại là phương thức thanh toán an toàn nhất cho các nhà xuất khẩu của Việt nam. Đứng về quan điểm của nhà xuất khẩu, phương thức này đảm bảo nhà nhập khẩu sẽ chi trả. Về phía nhà nhập khẩu, đảm bảo rằng các sản phẩm sẽ được xếp lên tàu chuyên chở. Mức phí ngân hàng tại Chi Lê tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp nhập khẩu, số lượng các thương vụ đã từng làm việc với ngân hàng thương mại và số tiền liên quan của các thương vụ nói trên. Quy định trong thị trường tài chính Chi Lê, nếu một doanh nghiệp có doanh thu trên 750.000 USD một năm, thì phí để mở một thư tín dụng sẽ là 0,1% khoản tín dụng hoặc ít nhất là 15 USD. Đối với các đối tượng doanh nghiệp này, phí chuyển tiền liên ngân hàng (SWIFT) sẽ được thu là 50 USD. Để có thể thanh toán bằng phương thức thư tín dụng tại thị trường Chi Lê như là một doanh nghiệp nhập khẩu hay xuất khẩu, đối tượng yêu cầu phải có tài chính lành mạnh và uy tín.
Khi đàm phán với một doanh nghiệp nhập khẩu của Chi Lê, doanh nghiệp Việt nam phải thoả thuận ngay bên nào sẽ phải chi trả các chi phí liên quan, vì các chi phí này ảnh hưởng tới giá thành của giá xuất khẩu. Quy định này cũng phải được thông báo cho các ngân hàng thương mại để quy định trong L/C. Theo các nhà nhập khẩu Chi Lê, họ thường yêu cầu người xuất khẩu thanh toán các khoản phí chuyển tiền, do đó các doanh nghiệp Việt nam cần lưu ý vấn đề này khi đàm phán ký hợp đồng.
3. Chính sách về hải quan
Một trong những phương thức được sử dụng ngay từ khi bắt đầu quá trình mở cửa thương mại của Chi Lê, chính là việc thống nhất việc áp dụng các mã thuế hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế (HS), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm thương mại. Mã NAB (bộ mã chuẩn hải quan của hiệp định Brussels), để “hải quan nói chung một thứ tiếng” tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh thuế, áp dụng các biện pháp bảo vệ và các tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho từng sản phẩm thương mại.
 
Chi Lê đã ban hành luật hải quan từ 1953, sửa đổi và đưa vào thực hiện lần lượt các năm 1997 và 2004, gần đây nhất là nghị định số 30, ngày 18 tháng 10 năm 2004. Các chính sách hải quan này với mục đích đơn giản hoá quá trình trao đổi hàng hoá quốc tế, định rõ thời gian, giai đoạn, giới hạn áp dụng, quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia và hoạt động thương mại quốc tế. Một trong những thành quả quan trọng nhất chính là việc xoá bỏ bớt các hàng rào phi thuế quan và đơn giản hoá việc khai báo hải quan cho các sản phẩm với một hệ thống quản lý chung, trừ các trường hợp đặc biệt. Chi Lê áp dụng khai báo hải quan điện tử 100%.
3.1 Các trung gian môi giới Hải quan
Chức năng của các trung gian môi giới hải quan, là làm dịch vụ mọi thủ tục về hải quan cho các nhà xuất nhập khẩu với Hải quan. Qua đó, tạo ra được một quá trình hoàn thiện và nhanh chóng hơn. Hải quan có thể thu thập được thông tin đầy đủ qua các môi giới.
Với quan điểm cho rằng tất cả mọi người hoạt động dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, các nhà chức trách có các phương thức để kiểm định độ hiệu quả của các quy định và luật giới hạn các hành vi lách luật, thực hiện sai luật. Các môi giới hải quan đều là thành viên của Hiệp hội môi giới hải quan quốc gia. Số lượng các môi giới này được Chính phủ quy định hàng năm trên cơ sở sự gia tăng hay thiếu hụt trong năm trước về các dịch vụ môi giới hải quan hay do các quyết định thu hồi giấy phép, trong trường hợp này sẽ công bố tổ chức thi tuyển, các cá nhân đạt tiêu chuẩn đều có quyền tham gia dự tuyển. Chi Lê có 300 nhà môi giới Hải quan hoạt động trong lĩnh vực này. Qua đó doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khi ký hợp đồng dịch vụ với môi giới hải quan, giảm được tệ nạn tiêu cực như trước đây doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp xúc trực tiếp vơi nhân viên Hải quan.
3.2 Toà án Hải quan
Nếu một nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu cung cấp thông tin sai lệch hoặc vi phạm luật, trách nhiệm của người môi giới hải quan là phát hiện và tố cáo các hành vi nói trên trực tiếp tới cấp có thẩm quyền tổ chức các toà án hải quan liên quan đến từng hành vi vi phạm là Hải quan quốc gia.
Trong các trường hợp có khó khăn về pháp lý, toà án hải quan cấu thành bởi các thành phần khác nhau như môi giới hải quan, hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu, người tiêu dung. Toà án hải quan sẽ là những người phán xét rằng hải quan hay các bị cáo có liên quan đúng.
4. Chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT)
a) Mức thuế VAT
Chi Lê áp dụng mức thuế VAT 19% đối với tất cả các mặt hàng bán buôn và bán lẻ trong toàn quốc. Đây là một trong những chính sách của Chính phủ để thu ngân sách bù lại do biểu thuế nhập khẩu thấp. Việt nam có thể tham khảo trong việc tăng thuế suất VAT (hiện nay là 10%), và giảm thuế suất thuế nhập khẩu, để đảm bảo các cam kết của ta khi gia nhập WTO ngày 7/11/2006 vừa qua, hoặc trong việc đàm phán ký kết FTA với Chi Lê.
b) Quản lý thuế VAT
Chi Lê dùng một hệ thống quản lý duy nhất vừa là mã số thuế, vừa là số chứng minh nhân dân, gọi là “Rol Unico Tributario” viết tắt là R.U.T (số đóng góp thuế duy nhất). Đối với các cá nhân, mã số R.U.T chỉ rõ quốc tịch và dùng làm số chứng minh nhân dân và để làm mã số thuế. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mã số R.U.T là cơ sở để xác định ngành nghề kinh doanh, hoạt động, và cũng có tác dụng như là mã số thuế duy nhất của các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp.
Như vậy, việc sử dụng một mã số R.U.T, làm đơn giản hoá hệ thống quản lý của cả 3 ngành như của Việt nam: Công an quản lý số chứng minh nhân dân, Cục thuế quản lý mã số thuế và Hải quan quản lý mã số hải quan.
Thông tin về các doanh nghiệp nhập khẩu Chi Lê, xin vui lòng truy cập trang web của Thương vụ: www.vietradeinchile.gov.vn  hoặc www.vietradeinchile.com
Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê
Trade Office, Embassy of Vietnam in Chile
Add: Eliodoro Yañez # 2887, Providencia, Santiago, Chile
Tel: (+56- 2) 232 1135 & (+56-2) 232 1394 - Fax: (+56-2) 334 1159

Nguồn: Vinanet