Tuy nhiên, Pháp cũng là nhà nhập khẩu thực phẩm lớn với kim ngạch năm 2007 khoảng 34 tỷ USD. Nước Pháp hiện có 30 công ty thực phẩm lớn và trên 10.000 công ty tham gia thị trường chế biến và kinh doanh thực phẩm, trong đó 70% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Danone là Tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất của Pháp và cũng là một tập đoàn chế biến thực phẩm đứng hàng đầu thế giới với doanh số năm 2007 đạt trên 22 tỷ USD, gồm ba dòng sản phẩm chính là sữa và sản phẩm sữa, bánh ngọt và nước khoáng.
Các ngành công nghiệp thực phẩm lớn nhất của Pháp xếp theo doanh số năm 2007 bao gồm : thịt và sản phẩm thịt (36,5 tỷ USD); sản xuất bia rượu (29,9 tỷ USD) ; sữa và sản phẩm sữa (27,1 tỷ USD) ; bánh mì và bánh ngọt (17,3 tỷ USD); thức ăn gia súc (17 tỷ USD) ; rau quả và nước quả đóng hộp (11,5 tỷ USD)...
Thị trường thực phẩm của Pháp hiện nay nhìn chung đang ở giai đoạn bão hòa. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hàng năm tăng châm. Tiêu thụ một số sản phẩm như rau quả tuơi, sản phẩm sữa... không tăng. Thậm chí tiêu thụ một số sản phẩm như đồ uống có cồn... lại giảm.
Thực phẩm tiêu thụ trên thị trường Pháp rất đa dạng và có sự góp mặt của hầu hết các nhà cung cấp trên toàn thế giới. Người tiêu dùng có yêu cầu cao về chất lượng. Họ đòi hỏi những sản phẩm vừa có hương vị thơm ngon, vừa có lợi cho sức khỏe. Hiện nay, mối quan tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm của người Pháp ngày càng lớn. Vì vậy, họ rất thích các sản phẩm sạch, ít chất béo, có các chất bổ sung dinh dưỡng và vitamin. Thủy sản cũng ngày càng được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, người Pháp cũng rất thích những sản phẩm mới, có tính ngoại lai với hương vị lạ và đặc trưng. Thị trường cho các sản phẩm này tăng bình quân 15%/năm. Số lượng các nhà hàng ăn phục vụ các món ăn ngoại quốc cũng tăng mạnh. Ở Paris, những năm gần đây, cứ hai hiệu ăn mới mở ra thì có một phục vụ các món ăn ngoại quốc. Các siêu thị đều bày bán các mặt hàng thực phẩm nhập ngoại hoặc có tính ngoại lai. Các món ăn hiện được người Pháp ưa chuộng là ẩm thực Trung Quốc, Thái Lan, châu Phi và Ấn Độ. Đồ ăn sẵn như thực phẩm đông lạnh, thủy sản chế biến, cơm chế biến, đồ tráng miệng đông lạnh ... cũng được tiêu thụ ngày càng nhiều, đặc biệt là giới trẻ.
Theo một nghiên cứu mới đây, các nhóm sản phẩm được đánh giá là có nhiều cơ hội dành cho các nhà xuất khẩu nước ngoài thâm nhập vào thị trường Pháp - các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm khai thác để đẩy mạnh xuất khẩu vào Pháp, như sau:
1. Thủy sản tươi và đông lạnh :
Pháp là nước tiêu thụ thủy sản lớn nhất ở Tây Âu. Hàng năm, Pháp phải nhập khẩu rất nhiều loại thủy sản. Doanh số tiêu thụ toàn thị trường năm 2007 đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu gần 4 tỷ USD.
2. Rau quả chế biến và nước quả đóng hộp :
Mức tiêu thụ rau quả chế biến và nước quả đóng hộp trên thị trường Pháp đạt khoảng 10 tỷ USD năm 2007 (trong đó, nhập khẩu khoảng trên 2,4 tỷ USD). Đây là mảng thị trường có tính cạnh tranh cao : các nhà nhập khẩu đều có nhiều kinh nghiệm và hoạt động lâu năm, sản phẩm với nhiều cấp độ chất lượng và giá cả, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã.
Nhìn chung, nhập khẩu các sản phẩm này giảm sút trong những năm gần đây, nhưng riêng nhập khẩu nước quả đóng hộp vẫn tăng mạnh khoảng 15%/năm, đạt gần 900 triệu USD năm 2007. Hiên nay, bình quân mỗi người Pháp tiêu thụ 26 lít nước quả đóng hộp/năm.
3. Đồ uống các loại (trừ nước quả) :
Pháp là nước sản xuất và xuất khẩu lớn về đồ uống các loại. Năm 2007, doanh số sản xuất ước đạt 26 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 13,3 tỷ USD. Pháp có nhiều thương hiệu rượu vang, rượu mạnh, bia và nước khoáng nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Pháp cũng nhập khẩu khá nhiều đồ uống các lọai, với kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 5%/năm trong ba năm qua, đạt 3 tỷ USD năm 2007. Trong số này, nhập khẩu rượu vang đạt khoảng 600 triệu USD, rượu mạnh khoảng 870 triệu USD.
4. Quả khô và quả tươi (kể cảc các loại hạt) :
Nhu cầu thị trường quả khô và quả tươi khoảng 4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu khoảng 3,4 tỷ USD. Pháp là nước nhập khẩu hầu hết các loại quả và nhiều nhất là cam, quýt, chanh, bưởi, chuối, nho... Các loại quả khô và hạt cũng được nhập khẩu nhiều, chủ yếu là hạt điều, hạnh nhân, quả phỉ và quả hồ trăn (pistacho). Riêng, hạt dẻ và hạt óc chó thì Pháp nhập khẩu ít do trong nước sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Tiêu thụ các loại hạt của Pháp tăng gấp đôi trong vòng 7 năm qua. Vì vậy, đây sẽ là thị trường rất nhiều tiềm năng cho các nhà xuất khẩu nước ngoài.
5. Rau tươi và khô :
Quy mô thị trường rau của Pháp năm 2007 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD. Hiện nay, nhu cầu của thị trường Pháp có xu hướng tăng đối với các sản phẩm rau tươi đã xử lý và đóng gói. Đa số siêu thị và cửa hàng có quầy riêng cho các sản phẩm loại này. Nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (rau sạch) cũng ngày càng tăng mạnh.
6. Thịt và nội tạng động vật :
Thị trường tiêu thụ thịt và nội tạng của Pháp tăng bình quân 15%/năm từ 2004 - 2007, đạt trên 10 tỷ USD năm 2007 (nhập khẩu khoảng 4,2 tỷ USD : chủ yếu là thịt bò và thịt lợn. Nhập khẩu thịt và nội tạng động vật vào Pháp phụ thuộc vào hạn ngạch nhập khẩu chung của EU hàng năm và chịu những quy định chặt chẽ, khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn: Vinanet