Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN-Ấn Độ (AITIG) nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Hiệp định; tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của thị trường 2 nước; những cơ hội và thách thức của Hiệp định mang lại cho các doanh nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á cho biết, hội thảo về Hiệp định AITIG là bước mở đầu của việc thực hiện Hiệp định tại Việt Nam. Các cơ quan có liên quan, các Phòng Thương mại và Công nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp của 2 nước cần hiểu rõ nội dung của Hiệp định. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoạch định chính sách, vạch ra chiến lược kinh doanh cho đơn vị mình nhằm tận dụng tối đa những cơ hội và thuận lợi mà Hiệp định mang lại. Tiềm năng hợp tác toàn diện giữa 2 nước là rất lớn. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư hơn nữa vào một số lĩnh vực như thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, hoá dầu, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, chế biến thức ăn gia súc….

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Ấn Độ đang tích cực triển khai đàm phán thương mại tự do hay Hiệp định ưu đãi mậu dịch với những nước, nền kinh tế và các khối kinh tế cũng như đàm phán với các đối tác quan trọng để khởi động lại vòng đàm phán Đôha về thương mại đa phương. Hiệp định thương mại tự do sẽ có tác động mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hiệp định AITIG có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 và thuế suất các mặt hàng điều chỉnh bởi hiệp định này sẽ giảm xuống 0% trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016; đồng thời sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 5.000 mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp, tương đương 80% số lượng các mặt hàng trao đổi thương mại giữa hai bên trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016. Hiệp định này có vai trò quan trọng đối với ASEAN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khủng hoảng; đồng thời sẽ mở ra cơ hội liên kết thương mại giữa khối ASEAN và Ấn Độ, một thị trường đầy tiềm năng trong khu vực châu Á.

Ấn Độ là nước rất thành công trong cải cách kinh tế từ năm 1991 và đang khẳng định vị thế như một cường quốc tại khu vực và trên thế giới. ASEAN là bạn hàng lớn tứh tư của Ấn Độ, sau Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Năm 2008 kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 47 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch năm 2009 sẽ đạt 60 tỷ USD, năm 2010 sẽ đạt 70 tỷ USD.

Tuy nhiên, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam còn khiếm tốn so với tổng kim ngạch thương mại của hai nước. Việt Nam chỉ chiếm 0,4 tỷ USD so với 250 tỷ USD mà Ấn Độ nhập khẩu, Ấn Độ cũng chỉ chiếm 2 tỷ USD so với 80 tỷ USD Việt Nam nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thì trong 11 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 361,18 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2008 và chiếm 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn độ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng; cà phê, hạt tiêu, than đá, quặng và khoáng sản; hoá chất, sản phẩm hoá chất v.v….Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ các mặt hàng như thức ăn gia súc và nguyên liệu, dược phẩm, chất dẻo nguyên liệu, thuốc trừ sâu và nguyên liệu…. với kim ngạch trong 11 tháng đầu năm là 1,46 tỷ USD giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2008 và chiếm 2,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Hy vọng, hiệp định này sẽ tạo động lực cho quan hệ thương mại song phương khi cả hai nước đều đạt được tăng trưởng cao những năm gần.

Nguồn: Vinanet