Trên thế giới, từ cả trăm năm nay, việc tổ chức hội chợ hay triển lãm thương mại đều là những yếu tố hiệu quả trong việc làm mới một đô thị nào đó và có những giá trị tích cực nhất định trong việc tái phát triển, tăng trưởng và nâng cao du lịch.

Ở tầm nhìn gần, hội chợ hay triển lãm thương mại có thể tạo ra các lợi nhuận, thu hút các luồng tiền đầu tư cho đô thị tổ chức.

Hội chợ thế giới đầu tiên diễn ra tại London vào năm 1851. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của hội chợ này khiến nhiều các quốc gia bắt đầu chú tâm vào việc tổ chức các hoạt động thương mại tương tự. Do đó, nhiều hội chợ thế giới diễn ra tại các nước trong nhiều năm sau đó, điển hình như Hội chợ Paris Expo.

Mới đây nhất là Hội chợ Triển lãm toàn cầu Thượng Hải 2010 mở cửa từ tháng 5.2010 và diễn ra trong vòng sáu tháng. Đại diện các doanh nghiệp của khoảng 190 quốc gia và lãnh thổ có gian hàng tại hội chợ và dự kiến khoảng 70 triệu du khách đến tham quan. Trung Quốc mở hội chợ lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử nhằm phát triển quan hệ thương mại với các nước khác trên thế giới.

Nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của những doanh nghiệp tham gia và tổ chức công tác hội chợ, năm 1928, tại Pháp, 31 quốc gia trên thế giới ký hiệp định quốc tế về những quy định tổ chức hội chợ. Một uỷ ban chuyên trách về vấn đề này có tên Uỷ ban Triển lãm hàng quốc tế (BIE) ra đời. Uỷ ban này có trách nhiệm quản lý chất lượng, mức độ tổ chức thường xuyên, cung cách tổ chức và cách thức tham gia của các doanh nghiệp có phù hợp hay không. Từ đó, các hội chợ lớn có tầm cỡ quốc tế đã diễn ra.

Một trong số đó có thể kể đến hội chợ Bắc Mỹ được tổ chức ở New York (Mỹ) vào năm 1939 và Seattle (Mỹ) vào năm 1962; ở Vancouver (Mỹ) vào năm 1986 và được tổ chức thường xuyên sau đó. Số lượng thành viên của BIE tăng trưởng lên con số hàng trăm.

Từ năm 1984 trở đi, nhiều hội chợ lớn được tổ chức ở Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Thái Lan và Đức... như hội chợ Frankfurt và hội chợ Hannover ở Đức, hội chợ Reed Tradex ở Thái Lan… và đạt được nhiều thành công đáng kể.

Các hội chợ này đều bắt nguồn từ khởi xướng của các chính phủ, tuy nhiên do ngày càng nhiều các hội chợ có quy mô lớn nên những nhà tổ chức bắt đầu tìm sự hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn đóng vai trò rất lớn trong việc tạo nên thành công cho các hội chợ, cụ thể là Nhà nước hỗ trợ ban tổ chức hội chợ thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân bằng cách đưa ra các ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ.

Theo quy định của BIE, những nhà tổ chức hội chợ trước khi tiến hành tổ chức phải trình ra được bản kế hoạch tài chính chi tiết, phản ánh được mức độ đạt được của hội chợ đó. Những nhà tổ chức buộc phải có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức hội chợ. Họ phải hiểu rõ lý do mà họ hướng tới khi tổ chức hội chợ. Đơn vị nào muốn tổ chức hội chợ phải nộp đơn xin đăng cai lên BIE. Trong đơn ghi rõ chủ đề của hội chợ, thời gian diễn ra, chức năng pháp lý của nhà tổ chức, đảm bảo hỗ trợ của chính phủ. Trong trường hợp muốn tổ chức hội chợ mang tầm cỡ thế giới, đơn vị tổ chức phải trình đơn tối thiểu 6 năm và tối đa 9 năm trước khi tiến hành tổ chức.

Mặt bằng tổ chức hội chợ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định mức độ quy mô và thành công của hội chợ. Vì vậy, nhiều quốc gia đều dành những địa điểm lớn để tổ chức hội chợ nhằm đáp ứng đủ không gian để trưng bày một lượng lớn các gian hàng và đón khách tham quan. Không những thế, bằng hội chợ phải đủ lớn để các doanh nghiệp tiến hành các cuộc hội thảo, giới thiệu... ngay tại hội chợ. Các khu vực ăn uống... cũng được mở ra nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho các khách hàng tham quan hội chợ. Các hội chợ uy tín trên thế giới như hội chợ ở Lisbon (Bồ Đào Nha), Hannover (Đức)... đều đáp ứng được những yếu tố này.

(Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử)