Trong hai năm 2007, 2008 ngành công thương 5 thành phố đã tạo bước phát triển liên tục và có những cơ hội, thuận lợi mới đan xen với nhiều khó khăn thách thức. Với nỗ lực quyết tâm cao, cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO đã tạo cơ hội cho các thành phố mở rộng hợp tác kinh tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát huy tốt hơn nội lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp để phát triển.

Năm 2008, mặc dù có những khó khăn gay gắt, ngành công nghiệp 5 thành phố vẫn cố gắng đạt kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 316.343 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,6% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc. Trong đó Hà Hội tăng 14,8%, Hải Phòng tăng 18,5%, Đà Nẵng tăng 14,34%, TP Hồ Chí Minh tăng 13,5%, Cần Thơ tăng 17,07%.

Hoạt động thương mại của 5 thành phố tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, quy mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá cao, giá trị kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố đạt 26.023 triệu USD, chiếm tỷ trọng 53,59% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 34.857 triệu USD, chiếm 53,34% kim ngạch nhập khẩu của nước ta, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 326.223 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,56% so cả nước. Năm 2008, tuy thị trường có nhiều biến động phức tạp, nhưng Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động thương mại đã dần ổn định và phát triển. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố đạt 34.857 triệu USD, chiếm tỷ trọng 53,62% so với cả nước, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 43.698 triệu USD, chiếm tỷ trọng 52,02% cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 438.325 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,19% so cả nước. TP Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu về giá trị sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại so với cả nước, sự phát triển của ngành công thương TP Hồ Chí Minh luôn có sự gắn kết với ngành công thương các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và với cả nước nói chung. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 84.050 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2007.

Tại Hội nghị, các đại biểu kiến nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng quy họach phát triển ngành công nghiệp và thương mại trong vùng trên cơ sở chiến lược phát triển ngành công thương cả nước, nhằm tránh quy hoạch đầu tư trùng lắp, hình thành sự phân công hợp tác giữa các địa phương. Nên ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế như giao thông, cảng biển, cảng hàng không, vận tải hàng hóa…tạo điều kiện cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế- xã hội của các vùng trong cả nước.
 

Nguồn: Vinanet