Nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu nội dung và các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) Việt Nam tham gia và đưa việc thực thi đầy đủ những cam kết của các Hiệp định này trở thành những cơ hội thực sự của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (EU – Việt Nam MUTRAP III) tổ chức Hội thảo “Phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) Việt Nam tham gia” vào ngày 28 tháng 6 năm 2010 tại Thành phố Nha Trang và ngày 30 tháng 6 năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung phổ biến tại 02 hội thảo này tập trung vào Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2009, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Úc – Niu-di-lân (AANZFTA) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2010.

Trong bài phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Giám đốc Dự án EU – Việt Nam MUTRAP III đã nhấn mạnh các Hội thảo là nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc phổ biến thông tin về các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, thực thi để các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu mà các Hiệp định này đem lại, góp phần giảm nhập siêu trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin chính xác, cập nhật nhất về các Hiệp định và là cơ hội để trao đổi với các cơ quan hoạch định chính sách về những vướng mắc, thách thức và các cơ hội tiếp cận thị trường tới các thị trường liên quan.

Ông Lê Quang Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương và các diễn giả của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã giới thiệu về các cam kết thuế quan, đầu tư, và thương mại dịch vụ của Hiệp định VJEPA, AANZFTA và AIFTA.

Về quan hệ thương mại song phương Việt – Nhật, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu 2 chiều đạt khoảng 14 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nhật Bản là khoáng sản, nông nghiệp, dệt may, điện tử. Về cam kết thuế quan của Nhật Bản trong Hiệp định VJEPA, thuế suất trung bình của các mặt hàng nông sản sẽ được giảm từ 18,1% xuống 17%. Thuế suất đối với sản phẩm công nghiệp sẽ giảm từ 6,51% xuống 0,95%.

Về quan hệ thương mại song phương Việt – Úc và Niu-di-lân, kim ngạch xuất khẩu của ta có mức tăng trưởng đều trong thời gian vừa qua, đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2009. Về cam kết cắt giảm thuế, mức thuế trần của Niu-di-lân giảm từ 19% xuống còn 10%. Thuế suất trung bình của Niu-di-lân sẽ giảm từ 4,1% (năm 2002) xuống 2,5% (năm 2008) và tiếp tục giảm xuống 2,4% (năm 2009). Đối với Úc, thuế suất nhập khẩu trung bình đối với mặt hàng công nghiệp là 4,1% và nông sản là 1,5%. Tuy nhiên, Úc hiện đang áp dụng chính sách tiêu chuẩn, vệ sinh thực phẩm rất cao.

Về quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ, tổng kim ngạch 2 chiều đạt hơn 2 tỷ USD vào năm 2009. Theo cam kết trong AIFTA, Ấn Độ sẽ cắt giảm 80% số dòng thuế vào năm 2017.

Cũng tại Hội thảo, đại diện của Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam cách thức khai và nộp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác các ưu đãi từ các cam kết FTAs Việt Nam tham gia.

Ngoài ra, các diễn giả đã giành nhiều thời gian trả lời những thắc mắc từ các đại diện doanh nghiệp, đặc biệt là phần trình bày của 02 đại diện doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Đại Thuận và Công ty Cao su Thống Nhất. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình khai, nộp C/O ưu đãi, thủ tục đăng ký và hoàn thiện hồ sơ xin C/O qua mạng ecosys.

Hội thảo tại thành phố Nha Trang đã thu hút được sự quan tâm của hơn 120 đại diện doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, kỹ thuật điện…), các cơ quan truyền thông, đại diện các báo đài, các cơ quan quản lý nhà nước đến từ tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh lân cận: Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên. Hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam tham gia và đã ghi nhận nhiều đóng góp thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình triển khai thủ tục cấp C/O ưu đãi của các FTAs Việt Nam tham gia.

(Nguồn: www.moit.gov.vn)