1. Về trang phục      

      Ai Cập cũng có những người theo đạo Thiên chúa giáo, nhưng đại bộ phận người Ai Cập đều theo đại Hồi giáo cũng giống như các nước thuộc giới  A-rập khác. Chính vì theo đạo Hồi giáo nên việc ăn mặc của người Ai Cập rất khắt khe, đặc biệt là với phụ nữ. Họ phải mặc trang phục che kín toàn thân (dù thời tiết nóng). Bởi vậy, khi giao dịch với các đối tác Ai Cập bạn phải nhớ ăn mặc sao cho thật kín đáo, giản dị.      

      Cả  nam giới và nữ giới đều phải thận trọng trong ăn mặc nhưng phù hợp hơn cả vẫn là  bộ comple hay những bộ quần áo giao dịch lịch thiệp như áo sơ mi hay bộ vét nhẹ nhàng, cũng cần hết sức hạn chế mặc áo cộc tay. Phụ nữ cần mặc những trang phục hết sức kín đáo và đơn giản, không được mặc váy ngắn.      

      Có  một điều cần lưu ý rằng, nhiều người cho rằng để tỏ lòng kính trọng và sùng ái đất nước và phong tục tập quán của nước đối tác, họ muốn được ăn mặc trang phục giống như trang phục của người bản xứ, nhất là các bộ trang phục truyền thống ; tuy nhiên ở Ai Cập cũng như các nước Hồi giáo khác thì việc bạn mặc trang phục truyền thống giống họ là một điều cấm kỵ.      

      2. Về cử chỉ giao tiếp, chào hỏi      

      Trái với suy nghĩ cho rằng, cũng giống như cách ăn mặc kín đáo, những cử chỉ giao tiếp của người Ai Cập cũng rất dè dặt, giữ khoảng cách, trong giao tiếp, người A-rập Ai Cập lại có thói quen gặp gỡ trực tiếp, giáp mặt và đứng/ngồi gần nhau để trao đổi, nói chuyện.      

      Người Ai Cập có rất nhiều kiểu chào nhau. Bạn cũng phải quen với những cử chỉ tỏ ra rất thân mật của người Ai Cập như vỗ vai hay vỗ lưng, nắm tay … Điều này không có gì khác ngoài việc thể hiện bản tính hướng về con người, cộng đồng của người Ai Cập. Bởi vậy cách tốt nhất nếu bạn không hiểu rõ họ sẽ làm thế nào thì nên chờ họ làm rồi làm theo cách của họ.      

      Khi chào hỏi, cần hết sức lưu ý trong việc gọi tên của người Ai Cập. Tên người Ai Cập được viết bằng tiếng A-rập, không sử dụng hệ chữ latinh như tiếng Anh nên thường khó nhớ một cách đầy đủ và chính xác. Cũng có khi cách phát âm cũng làm bạn hiểu sai ý nghĩa về tên của họ. Vì vậy, nên chắc chắn về tên riêng của người Ai Cập khi gọi tên họ.      

      Các  đối tác kinh doanh ở hầu hết các nước đều muốn  được chào hỏi, được gọi bằng chức danh của mình, người Ai Cập cũng không phải là một ngoại lệ.  Để tỏ ra lịch thiệp nhất, bạn nên gọi tên riêng kèm theo chức danh của họ. Tuy nhiên với người Ai Cập, họ cũng không quá câu nệ trong vấn đề này. Vì thế với cùng một người bạn cũng có thể có những câu xưng hô khác nhau, miễn là cách xưng hô đó hợp lý vào thời điểm bạn chào hỏi, xưng hô ; điều này sẽ không làm thay đổi cách nhìn của người Ai Cập về bạn.      

      3. Về ngôn ngữ      

      Ai Cập là nước thuộc giới A-rập và ngôn ngữ  của họ là tiếng A-rập. Lối nói của họ  có phần chỉn chu, hoa mỹ, họ cũng ít khi muốn làm người nghe phật lòng vì lối nói của mình. Khi giao dịch, bạn cần hết sức tránh sử dụng tiếng lóng và những thành ngữ không phù hợp với văn hoá nơi đây. Cần chắc chắn là bạn hiểu rõ những gì mình sẽ nói ra.      

      Cũng cần chú ý tới cách ghi danh thiếp. Bạn nên ghi danh thiếp bằng tiếng A-rập, bên cạnh tiếng Anh thông dụng.      

      4. Về việc gặp gỡ, đàm phán      

      Có  thể nói rằng tác phong làm việc trong những cuộc gặp gỡ, đàm phán của người Ai Cập rất dễ làm cho bạn mất kiên nhẫn vì tác phong làm việc của họ  rất chậm. Việc trễ hẹn hay không đến cuộc hẹn là thường xuyên diễn ra. Có khi cuộc họp cũng có thể bị ngắt quãng vì những chuyện ngoài lề. Để đưa ra một quyết định, đối tác Ai Cập có thể cần nhiều thời gian hơn bình thường.      

      Nói chung, họ làm việc chủ quan, theo tốc độ làm việc của mình. Do đó, sự nóng vội hay thúc  ép sẽ là không cần thiết. Như vậy có  thể thấy rằng, yếu tố thời gian trong các cuộc hẹn không phải là yếu tố quan trọng. Để đạt được mục tiêu của mình khi làm ăn với đối tác Ai Cập bạn thực sự phải là người rất kiên nhẫn và biết cách thông cảm với lề lối, thói quen làm việc của họ.       

      Về  thời gian của các cuộc gặp gỡ, cũng cần phải lưu ý rằng giờ làm việc ở Ai Cập thường có sự thay đổi và khác nhau giữa các công ty. Họ sẽ không đàm phán về công việc kinh doanh vào ngày thứ 6, đây là điều kiêng kỵ của người Hồi giáo. Các công ty sẽ nghỉ làm 2 ngày vào thứ 5 và thứ 6 hoặc thứ 6 và thứ 7. Mùa đông thường phải làm việc ít hơn mùa hè.      

      5. Trong ăn uống      

      Theo luật Hồi giáo, người theo đạo Hồi sẽ không được  ăn thịt lợn và uống rượu (tuy nhiên họ vẫn  được ăn cá và các loại thịt đã  được giết mổ theo đúng quy trình của đạo Hồi)      

      Khác với một số nước, ví dụ như Nhật Bản, bạn cần phải ăn hết thức ăn trên đĩa để tỏ lòng biết ơn cũng như khen ngợi về  bữa ăn ngon, thì ở Ai Cập bạn phải làm ngược lại. Bạn không được ăn hết thức ăn ở  trên đĩa mà phải để lại một ít, điều này cho thấy bạn đã ăn đủ, thể hiện sự lịch thiệp với chủ nhà.      

      Trong bữa ăn, việc cho thêm gia vị vào thức ăn là một điều cấm kỵ, nó đồng nghĩa với việc chê món ăn không ngon.      

      6. Một số điều cần lưu ý khác      

      Người Ai Cập phần lớn theo đạo Hồi giáo, vì thế họ  là những người rất sùng tín ngưỡng, họ luôn coi số phận của một người là do Chúa an bài, không có gì có thể thay đổi được, vì thế mà họ có tâm lý bằng lòng với chính mình, chấp nhận số phận. Hồi giáo là yếu tố rất quan trọng đối với mỗi người dân, họ luôn làm theo luật Hồi giáo và tin rằng đó là cách để giải quyết vấn đề tốt nhất.      

      Cá  nhân luôn phải tận tâm với gia đình, cộng đồng và  phải phục tùng theo nhóm, số đông.      

      Ở Ai Cập, nữ giới thường ít được coi trọng hơn nam giới. Tuy nhiên nếu một người phụ nữ có chức vụ cao thì bạn có thể nhận thấy ngay phong cách rất phương Tây của cô ta.      

      Việc sử dụng tay trái là điều cấm kỵ vì  họ quan niệm rằng tay trái là tay không sạch sẽ, vì thế bạn nên sử dụng tay phải trong mọi trường hợp, hoặc ít ra là phải sử dụng cả 2 tay.      

      Bạn  không được để ngón cái chỏ lên trên, cũng không được để lộ bàn chân ra, vì đó là cử chỉ xúc phạm họ.  
 

Nguồn: Internet