Từ đầu năm đến nay, XK thủy sản luôn trên đà đi lên khi kim ngạch XK của các tháng liên tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tới hết năm, XK mặt hàng này sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc... vẫn khá khả quan. Đặc biệt, thủy sản Việt Nam có thêm nhiều cơ hội XK sang thị trường Nga.

XK tăng ở hầu hết thị trường

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị XK thủy sản tháng 8 ước đạt 679 triệu USD, đưa giá trị XK 8 tháng đầu năm đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2013. Mỹ vẫn duy trì vị trí là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 22,8% tổng giá trị XK. XK thủy sản sang thị trường này 7 tháng đầu năm đạt 973,84 triệu USD, tăng 38,58% so với cùng kỳ năm 2013. 7 tháng đầu năm, XK thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn khác đều tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 6,39%, 53,83% và 27,37%.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK thủy sản liên tục tăng nhưng ở trong nước, hoạt động sản xuất mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra lại không mấy khả quan. Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT thuộc ĐBSCL, trong 8 tháng đầu năm, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch. Ngoài ra, hiện đang là mùa mưa, tạo điều kiện cho bệnh thủy sản xảy ra hầu hết trên cá tra nuôi. Mức độ hao hụt từ 3-5 % đối với cơ sở thực hiện tốt kỹ thuật phòng và trị bệnh, các cơ sở khác hao hụt từ 10-15%. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 8 dao động từ 21.000-22.000 đ/kg, tăng 500 đ/kg so với tháng trước, giá thành sản xuất 22.500-23.500 đ/kg. Với giá như trên người nuôi vẫn lỗ từ 1.500-2.000 đ/kg.

Còn đối với tôm sú, tình hình sản xuất tháng 8 vẫn ổn định so với tháng trước, diện tích và sản lượng tôm sú 8 tháng đầu năm của một số tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước. Đối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, sản lượng tôm sú của 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM đều giảm 6,7% so với cùng kì năm 2013.

Thúc đẩy XK sang Nga

Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: XK thủy sản năm 2014 có thể vẫn đạt mức 7 tỷ USD, trong đó chủ yếu dựa vào mặt hàng tôm. Từ nay tới cuối năm, tình hình XK thủy sản nói chung, tôm nói riêng sang các thị trường NK thủy sản lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU đều khá khả quan.

VASEP nhận định: Không chỉ lạc quan ở các thị trường truyền thống, gần đây nhất, những động thái từ Nga lại càng mở rộng thêm cơ hội XK thủy sản của Việt Nam. Đó là thông tin Nga dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ NK thủy sản vào thị trường Liên bang Nga và Liên minh Hải quan đối với 7 DN chế biến thủy sản của Việt Nam (5 DN chế biến sản phẩm cá tra đông lạnh và 2 DN chế biến sản phẩm tôm đông lạnh). Cùng với đó, Nga cũng đưa ra lệnh cấm NK thực phẩm từ EU, Mỹ, Na Uy, Canada và Australia, bắt đầu từ 7-8-2014. Cá tươi, cá đông lạnh, giáp xác và nhuyễn thể đều bị đưa vào danh sách các sản phẩm bị cấm. Lệnh cấm này sẽ được thực hiện trong 1 năm hoặc cho đến khi các biện pháp trừng phạt Nga được gỡ bỏ.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP: Từ đầu năm đến nay, dù kim ngạch XK thủy sản vẫn luôn tăng nhưng các DN cũng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng. Về lâu dài, để đảm bảo sự phát triển bền vững hơn, các DN cần đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chế biến, nâng cao giá trị XK các mặt hàng thủy sản Việt Nam. Cần từng bước chứng minh được rằng, hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản XK của Việt Nam đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời cũng có thể dễ dàng truy suất nguồn gốc. Đó là cơ sở để sản phẩm XK đạt được những chứng nhận quốc tế và ngày càng tạo dựng được thương hiệu, vị trí trên thị trường thế giới.

8 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản cả nước ước đạt 1.882 ngàn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác biển đạt 1.760 ngàn tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 8 tháng đầu năm của 3 tỉnh trọng như sau: Khánh Hòa ước đạt 8.000 tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái; Bình Định đạt 6.301 tấn tăng 1,6%; Phú Yên đạt 3.365 tấn giảm 18,5% so cùng kỳ năm trước. 8 tháng đầu năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2.119 ngàn tấn, tăng 3,2% so với cùng kì năm trước.

Nguồn: Báo Hải quan 

Nguồn: Hải quan Việt Nam