Với số dân là 127 triệu người, Nhật Bản hàng năm nhập khẩu một số lượng  thực phẩm trị giá tới 54 tỷ USD. Tính riêng giá trị ngành bán lẻ thực phẩm của Nhật Bản đạt 425 tỷ USD. Ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm (khách sạn, nhà hàng...) đạt giá trị khoảng 283 tỷ USD.
Do vậy, có nhiều doanh nghiệp Nhật quan tâm đến hàng thực phẩm Việt Nam với những sản phẩm như mật ong, sen, khoai, cá, nước mắm... ở các siêu thị Nhật Bản, mặt hàng thuỷ sản chế biến sẵn, hàng khô xuất hiện nhiều do sự ưa chuộng của người tiêu dùng Nhật.
Giám đốc Công ty Nikko International Ltd., và cũng là chuyên gia thương mại quốc tế, cho biết về khuynh hướng tiêu dùng mới ở Nhật về hàng thực phẩm và đồ uống. Theo ông thì an toàn thực phẩm là yếu tố được nhiều người tiêu dùng Nhật quan tâm nhất.
Một khảo sát ở Nhật cho thấy: 65% người tiêu dùng chọn thực phẩm vì lý do an toàn, 15% vì yếu tố ngon, 9% vì sự tươi sống, 5% vì yếu tố tốt cho sức khỏe và 6% là những nguyên nhân khác. Điều này giải thích vì sao trước đây người tiêu dùng Nhật tẩy chay sản phẩm há cảo Trung Quốc khi phát hiện ra tính không an toàn của sản phẩm.
Người Nhật cho rằng, sản phẩm an toàn cũng là sản phẩm có chất lượng tốt.
Người tiêu dùng Nhật cũng rất quan tâm đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Họ ưa chuộng thực phẩm chức năng, thực phẩm ăn kiêng, thực phẩm bổ sung...
Theo đó, những sản phẩm bán chạy hiện nay ở Nhật là những sản phẩm ít đường, calo thấp, không cholesterol, nhiều chất xơ, nhiều chất polyphenol... Chẳng hạn như sản phẩm có chứa ca cao, trà xanh, nước nho đen, nước đậu nành lỏng...
Hiện nay, Trung Quốc đã chuyển từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh bằng chất lượng ổn định và cải tiến mẫu mã. Qua những sản phẩm đang được ưa thích ở Nhật, có thể nhận thấy vài điểm đặc trưng liên quan đến những yếu tố này.
Mẫu mã thiết kế công phu nhưng nội dung hướng dẫn dễ hiểu. Hàng thực phẩm khi xuất khẩu sang Nhật phải được hàn kín xác nhận sự an toàn. Đối với sản phẩm đóng hộp, nắp hộp phải thiết kế để có thể mở ngay dễ dàng. Hàng thường có kích thước nhỏ để có thể dùng trong một lần.
Theo Giám đốc Công ty Nikko, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý yếu tố chất lượng và kỹ thuật để có thể cạnh tranh với hàng từ các nước Tây Âu, Trung Quốc ở thị trường Nhật Bản.
Để làm ăn với doanh nghiệp Nhật không khó nếu như biết được đặc điểm và yêu cầu của công ty Nhật. Các công ty Nhật rất nghiêm ngặt trong khâu quản lý chất lượng.
Các tạp chất và ngoại vật từ nguyên liệu gốc phải được loại bỏ bằng phương pháp thích hợp (rửa, lựa chọn bằng mắt...). Phải có hệ thống ngăn lỗi xảy ra trong khi đo lường và tổng hợp. Dây chuyền, máy móc, dụng cụ phù hợp được sử dụng trong sản xuất và phải được kiểm tra để xác nhận ở trong tình trạng tốt trước và sau khi sử dụng.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn được chấp nhận về nguyên liệu như chất lượng, độ tươi mới... phải được kiểm tra. Đồng thời, bảo đảm nguyên liệu vào đầu tiên sẽ được dùng sản xuất trước và không được để tồn kho.
Để tiếp cận người mua ở Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định người mua hàng cần gì. Có thể tìm hiểu nhu cầu này qua hội chợ thực phẩm hàng năm ở Nhật hoặc khách hàng Nhật sẽ tìm đối tác ở hội chợ quốc tế ASEAN.
Có thể nói hội chợ ASEAN là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến khu vực này. Khi tham gia hội chợ ở Nhật Bản, các doanh nghiệp chú ý chuẩn bị danh thiếp, giới thiệu về công ty, catalogue sản phẩm với hình ảnh minh họa, bảng giá xuất khẩu...
Khách hàng Nhật Bản rất thích nếu công ty xuất khẩu có DVD giới thiệu nhà máy và quy trình sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp cần mô tả cụ thể phương pháp tránh việc nhiễm khuẩn ngoại vật, thời gian và nhiệt độ tiệt trùng.
Khách hàng Nhật yêu cầu thông tin về xuất xứ của các thành phần trong sản phẩm, chứng từ xác nhận điều kiện sử dụng các hóa chất nông nghiệp của từng thành phần. Các thông tin về khả năng gây dị ứng của các thành phẩm trong sản phẩm và bảng liệt kê chi tiết nguyên liệu sử dụng cho bao bì đóng gói, các chứng nhận chất lượng quốc tế như ISO, HACCP... cũng rất được doanh nghiệp Nhật quan tâm.
Việc người tiêu dùng Nhật tẩy chay há cảo Trung  Quốc là cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN trong đó có Việt Nam.
Nhưng giá  cả cũng là vấn đề. Một số đối tượng tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá cao với thực phẩm an toàn. Nhưng về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm cách hạ giá thành để có thể bán hàng với số lượng nhiều ở thị trường Nhật Bản.
(NET)
 

Nguồn: Vinanet