Hợp tác thương mại biên giới (TMBG) luôn được hai bên quan tâm, tạo mọi điều kiện đẩy mạnh phát triển tương xứng tiềm năng kinh tế và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc.

Trong giai đoạn 2006-2008, Việt Nam là một trong những bạn hàng chủ yếu của Lào và có nhiều tiềm năng phát triển thời gian tới, đặc biệt là hoạt động TMBG dựa trên tuyến hành lang Ðông - Tây và các chương trình hợp tác toàn diện kinh tế - xã hội giữa các tỉnh kết nghĩa ở khu vực biên giới hai bên.

Toàn tuyến biên giới trên bộ dài hơn 2.000 km hiện có bảy cặp cửa khẩu quốc tế (đã thành lập bảy khu kinh tế cửa khẩu), bảy cặp cửa khẩu quốc gia và khoảng 20 cặp cửa khẩu phụ và nhiều lối mở qua biên giới. Khu vực biên giới phần lớn địa hình phức tạp, khó đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội khó khăn.

Hiện nay, giao thông đường bộ đến các cửa khẩu biên giới đã được nâng cấp. Nhiều tuyến quốc lộ 8 (lên Cầu Treo, Hà Tĩnh), quốc lộ 9 (Lao Bảo, Quảng Trị)... nằm trong hệ thống đường xuyên Á đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các nước trong khu vực.

Hệ thống pháp lý của Việt Nam cho hoạt động TMBG Việt Nam - Lào ngày càng hoàn thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về quản lý hoạt động TMBG, được cụ thể hóa bằng thông tư liên tịch của các ngành phân cấp, ủy quyền cho địa phương.

Bộ Công thương đã ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo TMBG; ban hành quy chế chợ biên giới. Bộ Công thương hai nước đã có Ðề án phát triển thương mại Việt Nam - Lào giai đoạn 2007 - 2015. Hai nước đã có hiệp định về quá cảnh hàng hóa, tiếp tục dành cho nhau ưu đãi thuế quan, dỡ bỏ nhiều hàng rào phi thuế quan, công nhận kết quả kiểm tra của nhau tại cửa khẩu... Mới đây nhất là thỏa thuận ưu đãi thuế nhập khẩu năm 2009 được ký ngày 17-1.

Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng nhanh chóng: Năm 2007 đạt hơn 312 triệu USD (tăng 20% so năm 2006), năm 2008 đạt 455 triệu USD (tăng 45%); trong đó Việt Nam luôn nhập siêu, chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, hoạt động TMBG Việt Nam - Lào còn nhiều hạn chế. Vụ trưởng Thương mại miền núi và Mậu dịch biên giới (Bộ Công thương) nhận định: Hàng hóa trao đổi nghèo nàn về chủng loại, ít về số lượng, chưa tạo được những mặt hàng chủ lực có kim ngạch lớn và ổn định, hàng hóa của Việt Nam và Lào chưa có sức cạnh tranh với hàng Thái-lan, Trung Quốc... Ðặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại trên toàn tuyến chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường hai bên.

Theo Bộ Công thương, trong những năm tới, quan hệ thương mại hai nước sẽ phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu hàng Lào xuất khẩu sang Việt Nam thay đổi đáng kể, có nhiều mặt hàng chủ lực kim ngạch lớn. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt hạ tầng và công nghiệp, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Lào từ Việt Nam tăng nhanh. Hàng Việt Nam tiếp tục được đa dạng chủng loại, chất lượng và giá cả đáp ứng nhu cầu thị trường Lào, cạnh tranh thành công với các đối tác trong khu vực và qua Lào thâm nhập thị trường khác.

Dự kiến, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt một tỷ USD năm 2010. Trong đó, xuất khẩu của Lào 590 triệu USD (tăng bình quân 37%/năm cho giai đoạn 2008 - 2010); xuất khẩu của Việt Nam 410 triệu USD (tăng bình quân 36%). Ðến năm 2020, buôn bán đạt hơn hai tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Lào hơn 1,3 tỷ USD (tăng bình quân 14,6%/năm giai đoạn 2011 - 2020), xuất khẩu của Việt Nam gần 1,1 tỷ USD (tăng 21,5%/năm).

Ðể đạt mục tiêu nêu trên, theo Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú, tại Hội nghị quản lý chợ biên giới và TMBG Việt Nam - Lào lần thứ 6 diễn ra cuối năm 2008, Bộ Công thương hai nước đã có những thỏa thuận quan trọng.

Ðó là, hai bên hợp tác lập quy hoạch tổng thể chợ biên giới và TMBG giai đoạn 2010 - 2020, soạn thảo quy chế quản lý chợ chung; củng cố và mở thêm một số khu kinh tế cửa khẩu; phối hợp nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án cụ thể, thu hút tài trợ quốc tế phát triển TMBG kết hợp xóa đói, giảm nghèo; hoàn thiện chính sách và thực hiện nghiêm túc các cam kết tạo thuận lợi thương mại, chống buôn lậu; mở rộng hợp tác song phương giữa các địa phương liền kề; tiếp tục dành cho nhau những ưu đãi thuế quan; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa, môi trường, kiểm dịch chung tại cửa khẩu... Ðặc biệt là tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp giữa ban chỉ đạo hoạt động TMBG hai bên nhằm tạo đột biến về phát triển và quản lý TMBG.

(VIETSTOCK)

 

Nguồn: Vinanet