Năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU): 25 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990 – 28/11/2015), 20 năm ký Hiệp định khung hợp tác (17/7/1995 – 17/7/2015) và 5 năm Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) được ký tắt bên lề Hội nghị ASEM-8 (4/10/2010 – 4/10/2015). Nếu chỉ nói đơn thuần về thời gian của mối quan hệ ngoại giao giữa một quốc gia với một quốc gia hay một quốc gia với một tổ chức quốc tế thì 25 năm chưa hẳn đã là dàì. Nhưng nếu lại nhìn vào những kết quả và lợi ích do hợp tác kinh tế, thương mại đem lại cho cả hai bên thì quan hệ Việt Nam – EU đã có một bước tiến dài, thậm chí là ngoạn mục. Hợp tác kinh tế, thương mại trở thành động lực quan trọng thúc đẩy Việt Nam – EU ngày càng gắn kết và trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau…
Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam và EU ngày càng phát triển
Năm 2015, Việt Nam và EU dự kiến sẽ ký Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA). Hướng đến sự kiện có ý nghĩa đỉnh cao mới này chúng ta cùng điểm lại vài nét khái quát về sự hình thành và phát triển của EU cũng như quan hệ, hợp tác Việt Nam – EU.
Ý tưởng về một châu Âu thống nhất có từ năm 1923, khi Bá tước người Áo - Con Denhove Kalerg - sáng lập ra Phong trào Liên minh châu Âu. Từ ý tưởng đó, năm 1929 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp - A. Bariand - đã đưa ra một Đề án chi tiết hơn về Liên minh châu Âu. Nhưng rồi đề án đó chỉ dần được triển khai sau khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai khép lại. Ngày 9/5/1950, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp - Robert Schuman - đã đề xuất đặt toàn bộ nền sản xuất than, thép của CHLB Đức và CH Pháp dưới một cơ quan quyền lực chung để các nước châu Âu khác cùng tham gia. Sự đồng thuận tiên phong sau đó của hai quốc gia đông dân số và rộng về diện tích lãnh thổ nhất châu Âu trở thành nền móng tiến tới việc xây dựng ngôi nhà chung Liên minh châu Âu. Ngày 13/7/1952, Hiệp ước thiết lập cộng đồng than, thép châu Âu (CECA) được ký kết bởi 6 nước: Pháp, CHLB Đức, Bỉ, Italia, Hà Lan, Lucxămbua. Sau đó, ngày 25/3/1957 Hiệp ước cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (CEEA) cũng ra đời ở Roma (Italia). Và, 10 năm sau (1967) 3 tổ chức nói trên đã đi đến thống nhất với tên gọi: cộng đồng châu Âu (EC). Có những gian nan, nhưng EC đã dần khẳng định được vị thế, nhất là những thành công về kinh tế. Vì vậy, đến tháng 1/1973 tổ chức này thu hút thêm 3 thành viên mới là: Anh, Đan Mạch, Ailen.
Với chủ trương xuyên suốt là tăng cường liên kết cũng như mở rộng ảnh hưởng, cho đến ngày 1/1/1986, EC đã tăng từ 9 lên 12 thành viên. Không dừng lại, đỉnh cao của tiến trình hướng đến thống nhất châu Âu được đặt ra tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra hai ngày 9 và 10/12/1991 ở Maastricht (Hà Lan). Tại cuộc họp này các nước thành viên EC đã quyết định thành lập Liên minh kinh tế (EMU) và Liên minh chính trị (EPU) với mục tiêu làm cho châu Âu thay đổi một cách căn bản vào năm 2000. Đó là: Tăng cường sự liên kết kinh tế, tập hợp sức mạnh của các quốc gia, giải quyết các vấn đề kinh tế nảy sinh ở mỗi nước và cả cộng đồng trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Thông qua sự liên kết ngày càng chặt chẽ trong nội bộ cộng đồng tiến tới thiết lập một khu vực tiền tệ ổn định ở Tây Âu nhằm cạnh tranh với đồng USD Mỹ, về lâu dài hình thành một Liên minh tiền tệ và kinh tế thống nhất, tiến tới tăng cường liên kết về chính trị…
Hiệp ước Maastricht được các quốc gia thành viên phê chuẩn trong năm 1992 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1993- EU định hình từ đó.
Triển vọng về một liên minh kinh tế, chính trị của EU không chỉ hấp dẫn các quốc gia châu Âu mà còn cuốn hút nhiều nước trong khu vực. Đến lần mở rộng thứ 3 ngày 1/1/1995, EU chào đón thêm 3 thành viên mới, đưa tổng số lên 15. Thời kỳ hậu sụp đổ của Liên bang Xô viết và các nước XHCN ở Đông Âu trở thành cơ hội không thể tốt hơn để EU tăng thêm ảnh hưởng và vai trò của mình bằng các chính sách, điều kiện “mở” nhằm thu hút sự tham gia của các nước Đông Âu. EU đã thực hiện được mục tiêu đặt ra. Đến năm 2014, số thành viên của EU đã tăng vọt lên 28 nước.
Như vậy, sau sự kiện nổi bật thống nhất thị trường tiền tệ (Euro) vào ngày đầu năm 1999, bước sang thập niên đầu thế kỷ XXI- EU đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của một thực thể chính trị và kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới. EU có 2/5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 4/7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và 4/20 nước trong nhóm G20. Nếu những năm cuối thế kỷ XX, EU mới có khoảng 370 triệu dân với tổng giá trị sản lượng toàn khối đạt 7.074 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 sản lượng công nghiệp thế giới và chỉ được xác định là 1 trong 3 trung tâm kinh tế… thì đến năm 2011, EU có số dân hơn 500 triệu người (chiếm 7,3% thế giới), tổng diện tích rộng gần 4,423 triệu ki-lô-mét vuông và vượt lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP đạt 17,57 nghìn tỷ USD, thu nhập bình quân đạt gần 33 nghìn USD/người/năm.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do suy thoái kinh tế kéo dài, nhưng với tiềm năng và thế mạnh riêng EU vẫn duy trì vai trò là nhà tài trợ hợp tác phát triển số 1 thế giới với 53 tỷ euro viện trợ (ODA) dành cho các nước đang phát triển trong năm 2011 (chiếm hơn 60% tổng viện trợ của thế giới). Riêng về đầu tư nước ngoài (FDI), năm 2009 EU từng đạt ngưỡng 281 tỷ euro, nhưng với lý do như đã nói, năm 2010 và 2011 đầu tư ra nước ngoài của EU giảm sâu chỉ còn 110 tỷ USD. Đặt chung vào bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm gần đây thì sự trồi sụt về FDI của EU vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xếp vào nhóm các quốc gia đứng đầu về đầu tư ra nước ngoài.
Nguồn: baocongthuong.com.vn