Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng còn không ít những khó khăn, cản trở đó là khoảng cách địa lý, cơ chế thanh toán, mức độ rủi ro cao và bị ngáng bởi một số rào sản kỹ thuật. Những yếu tố này đã tạo nên rào cản tâm lý đáng kể của các doanh nghiệp khi bước vào thị trường. Điều này dẫn tới kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Nga trong 5 năm qua có mức tăng trưởng nhưng chưa ổn định và chưa phản ánh đúng mong muốn cũng như tiềm năng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Liên bang Nga từ năm 2005 đến nay

Năm

Kim ngạch (USD)

2005

251.820.890

2006

413.211.473

2007

458.451.762

2008

671.955.182

10 tháng năm 2009

346.903.989

Theo Vụ thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương), khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga rất lớn, nhất là đối với thủy hải sản, nông sản, rau quả tươi và chế biến, hàng may mặc, giày dép. Cụ thể, đối với mặt hàng thuỷ hải sản, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 200 triệu USD, dự kiến năm 2009 con số này có thể đạt tới 450-500 triệu USD. Nga vốn là một trong những thị trường lớn của ngành xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, một khi đã xây dựng uy tín với phía Nga, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước Đông Âu, nhất là khu vực Viễn Đông và Siberi bởi Nga là cửa ngõ quan trọng của thị trường Đông Âu.

Đối với mặt hàng gạo, thị trường Nga có nhu cầu nhập khẩu trên dưới 300 ngàn tấn/năm, và các mặt hàng nông sản khác như chè, cà phê, hạt tiêu, nhân điều, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nga cũng rất lớn, ví dụ như chè trên 200 ngàn tấn/năm, cà phê khoảng 100 ngàn tấn/năm. Cả ba nhóm hàng hoá trên đều rất cần cho nhu cầu thường ngày và không thể thiếu trong các thực đơn của người Nga. Ngoài ra, mặt hàng may mặc và giày dép cũng đang rất có triển vọng, cho dù hiện nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ dừng ở những con số rất khiêm tốn.

Để mang lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch của RBS - một công ty hàng đầu tại Nga trong lĩnh vực tài chính và quản lý với hệ thống tư vấn có mặt trên toàn cầu,  cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu thị trường để xác định tiềm năng phát triển của hàng hoá, bởi thực tế một số khu vực thị trường của Nga đang có nhu cầu rất lớn đối với hàng hoá của Việt Nam, mà vốn các mặt hàng này hiện đang loanh quanh ở Matxcơva, chứ chưa đến được các vùng sâu vùng xa của Nga. Từ đó, doanh nghiệp tạo ra những đơn chào về chính sách giá cả hàng hoá vào Nga, đối tượng và chính sách bán hàng, hoạch định chiến lược kinh doanh, đưa ra chương trình hoạt động ngắn hạn 3 năm hoặc 5 năm, chiến lược tạo khuynh hướng phát triển sản phẩm hàng hoá từ trung ương đến địa phương tại thị trường Nga. Một điểm mà các doanh nghiệp cần lưu ý nữa là sản phẩm có chất lượng cao luôn hấp dẫn và lôi cuốn khách hàng Nga. Tiếp theo, doanh nghiệp tiến hành chọn đối tác và kênh cụ thể để đưa hàng hoá vào bán tại thị trường Nga. Nếu cần tìm những kênh mua hàng, buôn hàng lớn thì công ty RBS luôn đồng hành cùng với hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các dịch vụ tư vấn hiệu quả, bản thân RBS đã tư vấn thành công cho nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đưa hàng hoá vào thị trường Nga. Sau khi đã đưa được hàng vào Nga, bước tiếp theo doanh nghiệp Việt Nam cần tạo uy tín tốt đối với khách hàng.

Nguồn: Vinanet