Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp Việt - Nhật nếu được triển khai hiệu quả, nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Nhật

Xuất khẩu trái cây, rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản những năm gần đây có mức tăng trưởng nhanh và ổn định với kim ngạch tăng 10%-30%/năm. Năm 2013, giá trị nhóm hàng rau quả xuất sang Nhật đạt 61,22 triệu USD và mục tiêu 2015 sẽ đạt 77 triệu USD. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam, tuy nhiên số lượng xuất khẩu còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng.

Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc (tỉnh Tiền Giang), cho biết làm ăn với người Nhật phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe và phải giữ chữ tín. Năm nay, HTX tiếp tục ký hợp đồng xuất sang Nhật khoảng 100 tấn xoài cát Hòa Lộc.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết lâu nay Nhật có một số hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ nâng cấp phương tiện đào tạo cán bộ nông nghiệp; những chương trình viện trợ kỹ thuật cho các HTX nông nghiệp, HTX cây ăn trái, làm đề tài về giống lúa... Ngoài ra, một số công ty Nhật đưa giống lúa của họ sang trồng ở Việt Nam để bán cho các nhà hàng, xuất sang các thị trường có người Nhật sinh sống.

Mặc dù đã có một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản vào Nhật nhưng theo các DN, thị trường Nhật rất khó tính và không dễ thâm nhập. Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), đơn vị này xuất khẩu khá nhiều nông sản sang các thị trường châu Âu, Mỹ nhưng chưa có đơn hàng nào đi Nhật. Sagri nhiều lần tiếp các DN Nhật muốn hợp tác, hai bên bàn bạc triển khai một số dự án nuôi trồng để xuất sang Nhật nhưng chỉ dừng lại ở công đoạn khảo sát, tập huấn... Gần đây nhất, Sagri có dự án nhận chuyển giao công nghệ nuôi bò thịt từ Nhật, dự án đã được UBND

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, xuất khẩu nông sản vào Nhật khó vì giá hàng hóa nông sản ở Nhật rất đắt, cao hơn gấp nhiều lần so với hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác nên chính phủ Nhật dựng rào cản lớn để bảo hộ sản xuất nội địa. Nông sản Việt Nam, cụ thể là trái cây nhiệt đới, rất khó chen chân vào Nhật vì không thể vượt qua các vòng “sát hạch” gắt gao.

Chẳng hạn, người Nhật rất thích ăn chuối, yêu cầu sản phẩm phải thật sự “sạch”, chủ động sang Philippines hướng dẫn nông dân cách trồng chuối theo tiêu chuẩn chất lượng của họ, hợp tác lập đồn điền hàng ngàn hecta để trồng chuối rồi xuất sang Nhật. Nông dân Việt Nam vẫn giữ thói quen làm ăn cá thể, không có diện tích lớn để sản xuất đại trà theo tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất, chưa có thói quen tuân thủ phương pháp sản xuất khoa học... Trước mắt, phải thay đổi thói quen sản xuất của nông dân.

Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nông sản Việt muốn vào Nhật phải đáp ứng được tiêu chuẩn của họ về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện một số loại trái cây Việt Nam như cam, quýt, nhãn, đu đủ, chôm chôm... bị Nhật đưa vào danh sách cấm nhập khẩu vì có dòi phương Đông. Xoài cát Hòa Lộc muốn xuất sang Nhật phải khử trùng, chiếu xạ kỹ lưỡng. Song song đó, nếu so với Trung Quốc, Thái Lan, nông sản nói chung và trái cây Việt Nam nói riêng mẫu mã không đẹp bằng, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nhiều...

Trung tuần tháng 3, trong chuyến công tác Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và tỉnh Inbaraki (tỉnh đứng thứ hai về sản xuất nông nghiệp của Nhật) đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ mong muốn 2 nước nhanh chóng tổ chức đối thoại hợp tác hướng tới sự phát triển toàn diện ngành nông lâm ngư nghiệp, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ. Nếu việc hợp tác được thúc đẩy hiệu quả, phía Nhật đưa quy trình sản xuất, công nghệ vào Việt Nam ứng dụng sau đó tái xuất sản phẩm sang Nhật thì vừa giải quyết được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp cho Nhật, tận dụng được giá thành sản xuất nông sản rẻ ở Việt Nam và tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Nông - Lâm - Thủy sản Nhật cho thấy trong vòng 50 năm trở lại đây, tỉ trọng GDP của nông nghiệp Nhật giảm từ 9% còn 1%, tỉ trọng nhân lực cắt giảm từ 28% xuống thấp hơn 3%, 25% diện tích đất canh tác bị thu hẹp... Ngoài ra, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, việc dỡ bỏ thuế quan được áp dụng có thể khiến khả năng tự cung lương thực của Nhật giảm từ 40% còn 14%. Như vậy, Nhật cần nhập khẩu một lượng lớn nông sản thực phẩm để bù vào nguồn cung thiếu hụt trong nước.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử, Người Lao động

Nguồn: Vinanet