Myanmar đã đặt hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 5/2020 ở mức 150.000 tấn, bao gồm 100.000 tấn xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài không kể Trung Quốc, và 50.000 tấn qua thương mại biên giới với Trung Quốc; giảm thời hạn giấy phép xuất khẩu gạo có hiệu lực xuống còn 1 tháng và các nhà xuất khẩu gạo có thể nộp đơn xin cấp phép nhập khẩu hàng tháng. Chính phủ cũng đồng thời tăng các khoản cho vay để hỗ trợ sản xuất lúa và các cây trồng khác.
Gạo là thực phẩm chính ở Myanmar, đồng thời cũng là một trong những hàng hóa xuất khẩu chủ lực của nước này. Sau khi Myanmar xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên vào tháng 3/2020, thị trường gạo cũng trở nên hoảng loạn khi giá tăng đột biến. Tuy nhiên, sau đó thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại khi Liên đoàn Gạo Myanmar (MRF) xác nhận rằng nước này có đủ gạo tiêu thụ trong nước. Bộ Thương mại Myanmar (MOC) đã công bố kế hoạch hoạt động xuất khẩu gạo với mục tiêu tiếp tục duy trì xuất khẩu ở mức cần thiết để ổn định giá cả và tăng thu nhập cho người trồng lúa, đồng thời đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Với mục tiêu trên, Chính phủ đã đình chỉ cấp phép nhập khẩu kể từ ngày 20/3/2020 để xem xét tình hình dự trữ gạo trong nước và xác định khối lượng gạo có thể xuất khẩu. Ngày 14/4/2020, MOC đã thông báo yêu cầu các nhà xuất khẩu gạo tấm phải trả lại giấy phép xuất khẩu đã hết hạn và không sử dụng trước ngày 25/4 để làm căn cứ phân tích kỹ lưỡng khối lượng gạo tấm xuất khẩu trong khi vẫn đảm bảo cung cấp đủ gạo trong nước. Chính phủ cũng chỉ đạo các nhà xuất khẩu và các thương nhân phải báo cáo lượng gạo dự trữ cho MRF.
Bộ trưởng Thương mại thông báo Chính phủ sẽ sử dụng quỹ 26 triệu USD để mua dự trữ 50.000 tấn gạo và 12.000 tấn dầu cọ vì mục đích an toàn lương thực, thực phẩm. Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất khẩu gạo bán 10% khối lượng gạo trong kế hoạch xuất khẩu của họ cho Chính phủ của mình, theo đó MOC sẽ chủ trì chương trình mua gạo, với sự hợp tác của MRF, Hiệp hội Đại lý Dầu ăn Myanmar và Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI). Ngày 30/4/2020, Chính phủ đã bắt đầu mua gạo dự trữ quốc gia và số liệu cho biết tính đến 12/5/2020 đã mua được 6.300 tấn. Mỗi tháng, Myanmar tiêu thụ khoảng 71.000 tấn gạo.
Myanmar đã xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 10/2019 đến đầu tháng 4/2020 và dự báo sẽ xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn gạo cho đến hết tháng 9/2020.
Ngày 28/4/2020, Chính phủ đặt hạn ngạch xuất khẩu gạo cho tháng 5/2020 ở mức 150.000 tấn, bao gồm 100.000 tấn cho thị trường nước ngoài và 50.000 tấn thông qua thương mại biên giới với Trung Quốc. Hạn ngạch sẽ được phân chia công bằng giữa các nhà xuất khẩu - những doanh nghiệp phải thực hiện bán 10% khối lượng xuất khẩu cho Chính phủ để thực hiện các chương trình hỗ trợ lương thực (21.600 Kyats/bao 108 lb gạo Emata 25% tấm đánh bóng). Chính phủ ước tính hạn ngạch xuất khẩu gạo sẽ đạt khoảng 150.000 tấn mỗi tháng từ nay đến cuối tài khóa (đến tháng 9/2020), mặc dù hạn ngạch sẽ được công bố hàng tháng. Ngày 1/5/2020, MRF công bố chi tiết Tuyên bố của Chính phủ trên các kênh truyền thông xã hội chính thức của mình (Chi tiết đính kèm).
Về giấy phép xuất khẩu, thời gian có hiệu lực giảm xuống từ 3 tháng còn 1 tháng. Giấyphép được cấp chỉ trong vòng vài ngày sau khi doanh nghiệp nộp đơn.
Về việc các xe tải chở gạo Myanmar bị mắc kẹt ở biên giới với Trung Quốc
Ngày 3/4/2020, 5.000 tấn gạo Myanmar bị mắc kẹt ở thị trấn Kyalgaung do vấn đề Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (PC). Trước đây, Trung Quốc cho phép nhập khẩu gạo với PC do Phòng Nông nghiệp ở Muse (Myanmar) cấp, nhưng sau khi dịch bệnh xảy ra, Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu theo thỏa thuận SPS đã ký giữa hai nước vào ngày 17/1/2020. Myanmar đã gửi cho Trung Quốc danh sách hơn 40 công ty được phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu gạo từ 11 doanh nghiệp trong số đó. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Thương mại gạo Muse và MRF (Mandalay) đã gặp gỡ và sau đó đưa ra tuyên bố vào ngày 8/5 là họ sẽ chỉ hỗ trợ xuất khẩu gạo theo thỏa thuận SPS ngày 17/1/2020. Đối với gạo và gạo tấm bị mắc kẹt ở Muse, việc giải quyết phụ thuộc vào nguồn gốc của gạo. Đối với gạo được sản xuất bởi 11 công ty được phê duyệt, sau khi cơ quan Chứng nhận và Thanh tra Trung Quốc (CCIC) kiểm tra, Bộ Nông nghiệp cấp PC cho gạo và gạo tấm. Gạo được sản xuất bởi các công ty không được phê duyệt có thể được chuyển sang xuất khẩu qua các kênh ở nước ngoài. Những công ty được phép xuất khẩu gạo và gạo tấm qua biên giới vào tháng 5/2020 gặp khó khăn, Bộ Nông nghiệp và MRF giúp họ chuyển sang xuất khẩu qua các kênh ở nước ngoài.
Chính phủ nông dân vay tiền
Bắt đầu từ ngày 15/5/2020, các khoản vay nông nghiệp trị giá khoảng 1,25 tỷ USD sẽ được phân phối cho nông dân để hỗ trợ sản xuất một loạt các mặt hàng nông sản, bao gồm gạo, với lãi suất năm phần trăm (giảm so với mức 8% trước đây). Số tiền 1,25 tỷ USD cao hơn khoảng 4% so với khoản hỗ trợ năm ngoái. Những nông dân chưa thanh toán hết khoản vay năm ngoái sẽ không đủ điều kiện để được vay mới. Theo Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp, hiện mới chỉ có 63% số tiền cho vay năm ngoái được hoàn trả.

Nguồn: VITIC/USDA