Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá mức độ an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, tổ chức ngày 10/6 tại Hà Nội.
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, thành phố Hà Nội có khoảng hơn 1.500 chung cư cũ với quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước 1954; trong đó, không ít công trình đã xuống cấp và hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chịu lực của công trình, đe dọa đến tính mạng của người dân trong công trình.
Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ an toàn của các công trình này đến nay là không hề đơn giản. Thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng một quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng cụ thể, thống nhất để có thể áp dụng tại tất cả các địa phương.
Từ nay đến cuối năm 2016, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các Sở Xây dựng, các địa phương rà soát, đánh giá sơ bộ toàn bộ các công trình cũ tại đô thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, việc đánh giá các công trình để xác định tuổi thọ và tình trạng của nó là công việc rất phức tạp và đòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu.
Ở Việt Nam, những kết quả như thế vẫn còn hạn chế, các tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn ban hành trực tiếp liên quan đến vấn đề này chưa nhiều. Quy trình này được xây dựng dựa trên các quy định của nước ngoài được nghiên cứu để áp dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu thực hiện.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện quy trình đánh giá, và tổ chức triển khai tập huấn tại các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Ngoài các Sở xây dựng, các địa phương và một số cơ quan chuyên môn thì nhiều chuyên gia uy tín và các tổ chức kiểm định có năng lực cũng sẽ được huy động tham gia...
Nguồn: Đức Dũng/Vietnamplus.vn