Trả lời những câu hỏi liên quan tới lĩnh vực bất động sản tại Diễn đàn Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ hôm nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, để thực hiện 2 Luật Kinh doanh Bất động sản (LKDBĐS) và Luật Nhà ở (LNO) có hiệu lực từ 1/7/2015này thì Chính phủ sẽ ban hành 5 nghị định và sẽ hoàn tất ký ban hành trong tuần đầu của tháng 7/2015.

Tiểu nhóm công tác đất đai kiến nghị nên bỏ quy định tại Điều 3.1(a) Dự thảo lần ba Nghị định về LKDBĐS quy định các trường hợp đầu tư bất động sản thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư phải có vốn pháp định không thấp hơn 50 tỷ VND.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Dự thảo cuối cùng thì Chính phủ không có nội dung này.

Tuy nhiên, với đề xuất yêu cầu về vốn pháp định chỉ áp dụng đối với dự án xây dựng và phát triển bất động sản mới và trong mọi trường hợp không vượt quá 20 tỷ VND bởi theo yêu cầu Điều 3.1(c) Dự thảo lần ba Nghị định về LKDBĐS quy định các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ có một năm để tăng vốn pháp định lên 20 tỷ VND/50 tỷ VND, ông Hà cho rằng là không phù hợp.

Bởi lẽ, LKDBĐS yêu cầu  vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng. Đồng thời, ông Hà cũng lấy dẫn chứng thêm rằng, trong quá trình rà soát 306 dự án tạm dừng và 460 dự án cần phải điều chỉnh thì phần đông các dự án này thuộc chủ đầu tư có vốn pháp định quá thấp. Vì vậy, đưa ra quy định này để hạn chế các doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản đã để lại nhiều hệ luỵ trong thời gian qua.

Vấn đề thứ hai tổ công tác kiến nghị liên quan tới các điều khoản chuyển tiếp khi dự thảo không có quy định về điều khoản chuyển tiếp để giải quyết việc thực hiện các hợp đồng đã được ký kết theo LKDBĐS và Luật Nhà ở (LNO) cũ, trừ một số quy định liên quan đến cách tính và ghi diện tích nhà ở, thời hạn bảo hành nhà ở và nơi để xe.

Nhóm công tác đề xuất bổ sung quy định mới sau đây vào dự thảo lần ba Nghị định về LKDBĐS: “Các hợp đồng đã được ký kết trước khi Luật Kinh doanh Bất động sản/Luật Nhà ở có hiệu lực sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm hợp đồng được ký kết.”

Thứ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh cơ bản pháp luật Việt Nam không quy định hồi tố nên các hợp đồng đã được ký kết, tất cả các dự án đã được chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư hoặc thực hiện theo các pháp luật kinh doanh trước 1/7/2015 sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm hợp đồng được ký kết.
 
Về các hạn chế với người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam, dự thảo lần bốn Nghị định về LNO đưa ra các hạn chế rộng hơn. Theo đó, tổ chức/cá nhân nước ngoài (i) không được phép sở hữu nhà ở tại các khu vực cấm hoặc hạn chế người nước ngoài cư trú, đi lại, (ii) chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án nhà ở, và (iii) chỉ được gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở. Nhóm công tác đề nghị bãi bỏ các hạn chế bổ sung không được quy định trong LNO.

Ông Hà cho biết, nhà đầu tư nước ngoài, cá nhân nước ngoài  không được sở hữu không quá 30% số căn trong một khu chung cư và không quá 250 căn hộ riêng lẻ trong một khu vực có dân số tương đương quy mô cấp phường. Dự thảo quy định không quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ mỗi dự án là cần thiết vì có thể trên một địa bàn quy mô cấp phường có nhiều dự án và quy định này nhằm đảm bảo thực hiện giới hạn 250 căn hộ riêng lẻ trong một khu vực, Thứ trưởng trả lời thắc mắc.

Với đề xuất khu vực cấm hoặc hoạn chế người nước ngoài cư trú, đi lại, ông Hà cho biết sẽ tiếp thu và đề nghị sửa lại theo hướng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ khoá đối tượng cấm, hoặc hạn chế cá nhân nước ngoài cư trú đi lại từng địa phương để từ xác dịnh sở hữu nhà.

Kiến nghị cuối cùng của tổ nhóm công tác là về quy định hồ sơ chuyển nhượng dự án bao gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân nước ngoài lần đầu tiến hành đầu tư tại Việt Nam chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do đó, đề nghị bổ sung cụm từ “ngoại trừ nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lần đầu tiên” vào đoạn hai của Điều 15.1(d).

Thứ trưởng cho biết không phân biệt doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam hay doanh nghiệp lần đầu tiên tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu tiếp thu để bổ sung chỉnh sửa.

Cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh, nhờ quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cùng với chiến lược phát triển nhà ở Việt Nam nên trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015 thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tích cực. Giá cả hàng hoá bất động sản ổn định, số lượng giao dịch bất động sản thành công tăng lên với tăng 2,5 lần trên địa bàn Hà Nội và tăng 2,8 lần tại TPHCM; cơ cấu nhà ở hợp lý hơn với tăng lên nhà ở xã hội, tồn kho bất động sản giảm 47,53%...

Thái Hà