Cao su săm lốp

Quý II/2015, tổng doanh thu 3 doanh nghiệp cao su săm lốp, là Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (CSM); Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty cổ phần cao su Sao Vàng (SRC) tăng trưởng 28% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.507 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu CSM tăng tới 60%, lên 1.262 tỷ đồng còn doanh thu DRC tăng 7% và SRC tăng 1,5%.

Lũy kế 6 tháng, CSM vượt qua DRC với doanh thu 1.955 tỷ đồng, tăng trưởng 32%. DRC tăng 10% trong khi SRC giảm 1,7%.

Về lợi nhuận, quý II/2015 chứng kiến lợi nhuận các công ty đều tăng mạnh so với cùng kỳ. CSM và DRC tăng 16% còn SRC tăng hơn 40%. Mặc dù vậy, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận CSM vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, DRC tăng gần 10% còn SRC gần như không đổi.

Tổng lợi nhuận 3 doanh nghiệp đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Cao su thiên nhiên

Trong khi doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp cao su săm lốp tăng trưởng mạnh thì các doanh nghiệp cao su thiên nhiên không có được kết quả khả quan như vậy.

Trong số 6 doanh nghiệp cao su tự nhiên, chỉ có Công ty cổ phần Đầu tư cao su Quảng Nam (VHG) có doanh thu quý II/2015 tăng so với cùng kỳ nâm trước.

Các doanh nghiệp còn lại, bao gồm Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (TNC) giảm 2,3%; Công ty cổ phần cao su Đồng Phú (DPR) giảm 19%; Công ty cổ phần cao su Hòa Bình (HRC) giảm 82%; Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (PHR) giảm 23% và Công ty cổ phần cao su Tây Ninh (TRC) giảm 27%.

Tổng cộng quý II/2015, doanh thu các công ty nói trên giảm 17% so với cùng kỳ, đạt 619 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu giảm 21% xuống 1.235 tỷ đồng.

Xét về lợi nhuận, có 2 doanh nghiệp lợi nhuận tăng trong quý II, là DPR và VHG. Lợi nhuận các doanh nghiệp còn lại đều giảm mạnh. Tổng lợi nhuận 6 doanh nghiệp đạt được là 142 tỷ đồng trong quý II, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận lũy kế 6 doanh nghiệp cao su giảm 20% so với cùng kỳ, đạt 266 tỷ đồng. Trong đó, lãi của PHR và TRC giảm mạnh nhất.

Ngành cao su đối mặt với nhiều thách thức giai đoạn tới

Tại Đại hội Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) lần thứ 4, tổ chức ở TPHCM cuối tháng 7 vừa qua, VRA cho rằng, giá cao su thiên nhiên vẫn ở mức thấp kèo dài trong vài năm tới. Đồng thời, việc hội nhập kinh tế ngày càng sau rộng là những thách thức có thể gây khó khăn cho ngành cao su Việt Nam trong giai đoạn 2015-2017.

VRA cho biết, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là do cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu thé giới và ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước.

Điều này khá nghịch lý khi hàng năm các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các thành phẩm từ cao su phải nhập hàng nghìn triệu tấn cao su thiên nhiên để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Giá cao su giảm mạnh trong tháng 7 và tiếp tục giảm trong tháng 8

Theo số liệu tại ngày 18/8, giá cao su trên sàn Tokyo hiện đã xuống thấp nhất 10 tháng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, giới đầu cơ đang tăng cường bán tháo còn người tiêu dùng lại xa lánh thị trường cao su do nhu cầu tiêu thụ cao su thành phẩm suy yếu.

Các chuyên gia cũng đánh giá, cao su là một trong những mặt hàng chịu sức ép từ quyết sách phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc và nếu nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu không phục hồi, hoặc các nước sản xuất cao su không áp dụng các biện pháp thúc đẩy giá, thì thị trường cao su khó có thể hồi phục.

Như vậy, các doanh nghiệp cao su săm lốp nếu tiếp tục nhập cao su từ bên ngoài, thì khả năng hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào là rất lớn, trong khi doanh nghiệp cao su thiên nhiên sẽ chồng chất khó khăn.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán Rồng Việt trong một báo cáo mới đây cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ cũng đồng thời làm tăng sức cạnh tranh cho đầu ra của các doanh nghiệp cao su săm lốp. Việc phá giá này có tác động tiêu cực đến cả 2 ngành cao su săm lốp và cao su thiên nhiên.

Minh Quân

Tổng hợp