Ngày 22/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa vào dự thảo về thị trường chứng khoán phái sinh 2 loại hợp đồng, gồm "Hợp đồng tương lai chỉ số" và "Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ"
Hợp đồng tương lai chỉ số có tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán do Sở Giao dịch chứng khoán tại Việt Nam xây dựng và quản lý. Chỉ số này bao gồm tối thiểu 30 cổ phiếu, tỷ trọng của mỗi cổ phiếu trong danh mục không vượt quá 20% giá trị của chỉ số.
Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ có tài sản cơ sở là trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu giả định có một số đặc trưng cơ bản của các trái phiếu Chính phủ đang giao dịch trên thị trường. Trái phiếu phải có lãi suất cuống phiếu cố định, được trả định kỳ hàng năm. Tiền gốc trái phiếu được thanh toán 1 lần tại thời điểm đáo hạn. Giá trị phát hành không thấp hơn 3.000 tỷ đồng.
Để giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư chỉ được thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh niêm yết thông qua sự môi giới của thành viên giao dịch. Nhà đầu tư phải ký quỹ theo yêu cầu của thành viên bù trừ để đảm bảo thanh toán.
Đối với các công ty chứng khoán, để tư vấn, các công ty cần có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định. Để tự doanh, công ty cần có vốn từ 600 tỷ đồng trở lên. Để môi giới hoặc tất cả các hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán cần có vốn từ 800 tỷ đồng trở lên. Công ty chứng khoán cần có tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 260% trong 12 tháng gần nhất và không có lỗ 2 năm liên tiếp.
Để cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn từ 900 tỷ đồng trở lên (nếu đăng ký là thành viên bù trừ trực tiếp) hoặc vốn từ 1.200 tỷ đồng trở lên (nếu đăng ký là thành viên bù trừ chung). Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần vốn tương ứng 5.000 tỷ đồng và 7.000 tỷ đồng trở lên.
Ủy ban chứng khoán quy định chặt chẽ về cơ cấu tổ chức, quản lý rủi ro khi yêu cầu Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng giám đốc), trưởng các bộ phận kinh doanh chứng khoán phái sinh; trưởng bộ phận bù trừ, thanh toán, chứng khoán phái sinh; trưởng bộ phận quản lý rủi ro có ít nhất 5 năm kinh nghiệm tại các bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác.
Các vị trí này cần thi đạt Chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ hoặc các chứng chỉ OECD; CFA bậc II; CIIA bậc II...
Như vậy, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi công bố 2 dự thảo quan trọng về T+2 và giao dịch mua bán trong ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục công bố một dự thảo quan trọng khác về thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là những bước đi nhằm đưa thị trường chứng khoán Việt Nam dần phù hợp với thông lệ quốc tế và hứa hẹn sẽ tăng thanh khoản đáng kể cho thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước và nước ngoài.