Theo bình luận đăng trên WSJ, quyết định nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 49% lên tối đa 100% trừ một số lĩnh vực nhất định của Việt Nam đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh kể từ đầu tháng khi nhà đầu tư trong nước tăng cường mua cổ phiếu với hy vọng dòng vốn ngoại sắp đổ vào thị trường.
Kể từ khi đề xuất quy định mới đưa ra cuối tháng trước, VN-Index tăng 9% trong khi chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 5,3%, của Philippines giảm 1,6%.
Ông Nguyễn Hồng Khánh, một nhân viên văn phòng tại TPHCM cho biết, thay đổi được dự đoán trước này đã giúp anh có thể thu lời được khoảng 2/3 mức lương hàng năm của mình nếu bán số cổ phiếu hiện đang nắm giữ. Ông cũng cho biết, hiện đang sở hữu 1 tỷ đồng cổ phiếu và sẽ tiếp tục mua vào cho tới khi 80% thu nhập của ông đầu tư vào chứng khoán.
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ như ông Khánh chiếm khoảng 90% lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rót mạnh tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi quy định nới room dự kiến có hiệu lực từ tháng 9 tới sẽ khiến các quỹ đầu tư tìm kiếm lợi suất tốt sẽ bị thu hút bởi một trong những thị trường sơ khai “nóng” nhất thế giới hiện nay.
Thị trường khá bất ngờ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 100%, thay vì 60% như dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, hiện Ủy ban chưa nêu rõ những lĩnh vực bị khống chế room, song riêng với ngành ngân hàng, room khối ngoại vẫn khống chế dưới 30%.
Nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra rất quan tâm đến Việt Nam. 6 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng hơn 233 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, vượt mức 128 triệu USD cả năm 2014.
Tính đến tuần này, khoảng 30 doanh nghiệp, chiếm khoảng 1/5 vốn hóa sàn HOSE giao dịch ở mức hoặc gần mức giới hạn room, trong đó có Vinamilk, Nhựa Bình Minh.
Louis Nguyen, giám đốc điều hành quỹ đầu tư Saigon Asset Management, cho rằng, nếu quy định nới room được thông qua có thể sẽ tạo bước đột phá cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Cũng theo chuyên gia này, việc điều chỉnh room khối ngoại sẽ mở đường để hàng tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào, mở cửa cho làn sóng đầu tư cho những nhà đầu tư muốn vào thị trường Việt Nam.
Những nhà đầu tư như ông Louis cho rằng, hàng chục doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam rất hấp dẫn nhưng vốn hóa thị trường còn quá nhỏ để các tổ chức tài chính lớn có thể đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp lớn sẽ là mục tiêu chủ yếu.
Chính phủ dự kiến sẽ cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay nhằm cải cách hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước và thúc đẩy thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tốc độ cổ phần vẫn tương đối chậm, tính đến 23/6 mới có 61 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, hay mới đạt 1/5 mục tiêu cho cả năm 2015.
WSJ cũng cho rằng, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn là thị trường dễ đầu tư. Để giao dịch, các quỹ ngoại cần phải đăng ký với cơ quan thẩm quyền, quá trình này có thể mất nhiều tháng, điều này khiến nhiều nhà đầu tư dựa vào các quỹ trong nước hoặc đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ ETF.
Minh Phương
Theo WSJ