Đánh giá về sức mạnh của dòng tiền được thể hiện ở những phiên liên tục trên 3.000 tỷ đồng, các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đều nhìn nhận khả năng dòng vốn sẽ còn mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, những đánh giá trái ngược vẫn tồn tại khi quan điểm tích cực nhìn nhận hiện tượng xoay vòng luân phiên giữa các nhóm ngành và dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra, mà còn có sự tham gia của dòng tiền mới vào thị trường. Ngược lại, quan điểm thận trọng lo ngại những phiên đột biến thanh khoản cao hơn nữa có thể là dấu hiệu của đỉnh.
Quan điểm thận trọng cũng nhìn nhận mức tăng lên khá mạnh của trạng thái margin. Điều này có thể hợp lý khi bản thân một số chuyên gia cũng đã gia tăng trạng thái cổ phiếu và sử dụng margin. Tuy nhiên, vẫn có những danh mục mới chỉ phân bổ tối đa 80% cổ phiếu, thậm chí là đang bỏ qua cơ hội hiện tại.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Kịch bản tích cực của anh chị đang đúng khi VN-Index rốt cục cũng qua được đợt điều chỉnh mạnh cuối ngày thứ Sáu và lại đóng trên 580 điểm. Thanh khoản lại vượt lên mức cao mới với trung bình hơn 3.500 tỷ tuần này. Nguồn vốn thực sự đã vượt qua sự chờ đợi của rất nhiều người. Với anh chị thì thế nào, liệu sẽ có những phiên 5.000 tỷ?
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Với sức mạnh dòng tiền duy trì tích cực như tuần vừa rồi, tôi tin vào khả năng sẽ xuất hiện những phiên 5.000 tỷ. Có điều, dòng tiền vẫn sẽ lắt léo, không phải cổ phiếu nào cũng kiếm được lợi nhuận.
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng khi dòng tiền đầu cơ vẫn mạnh mẽ như hiện tại, khả năng sẽ có những phiên 5.000 tỷ; nhưng do bản chất ngắn hạn của nhóm dòng tiền này, những phiên như thế thường là dấu hiện tạo đỉnh của một nhịp tăng.
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sự xoay vòng luân phiên của dòng tiền qua các nhóm ngành, cùng sức hấp thụ tích cực của lực cầu nội trước hoạt động bán ròng của khối ngoại đã giúp cho thanh khoản thị trường liên tục được duy trì ở mức cao trong tuần qua.
Thêm vào đó, việc khối lượng khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần nhất đang có xu hướng gia tăng không những cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra, mà còn có sự tham gia của dòng tiền mới vào thị trường. Điều này được kỳ vọng có thể đẩy thanh khoản thị trường tiến đến những mức cao mới khoảng 150-200 triệu cổ phiếu/phiên trong thời gian tới.
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Tôi cho rằng chắc chắn thanh khoản sẽ tăng mạnh trong tuần tới và áp lực bán chốt lời ngày càng nhiều khi chỉ số VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự quan trọng quanh mốc 600 điểm. Một số phiên giao dịch giá trị 5.000 tỷ sẽ diễn ra và có thể là 1 phiên nào đó giữa hoặc cuối tuần tới.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Thị trường đang cực kỳ quan tâm đến câu chuyện T+2 và giao dịch trong ngày. Từ góc độ chuyên môn của anh chị, điều này có khả thi và thực hiện sớm được hay không? Phương thức giao dịch mới có lợi thế và rủi ro gì?
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng, về mặt hạ tầng kỹ thuật thì thanh toán T+2 cũng không quá khác biệt so với T+3, và chúng ta có thể làm được. Giống như trước đây, khi chuyển thời gian thanh toán từ T+4 về T+3, nhiều ý kiến cũng cho rằng sẽ gặp khó khăn, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn thực hiện được rất ổn.
Trong khi đó, hiện nay đầu tư công nghệ của cả Trung tâm Lưu ký Chứng khoán lẫn các công ty chứng khoán đều tốt hơn rất nhiều. Về khả năng thực hiện sớm hay không, tôi không có ý kiến gì về vấn đề này, vì đây là câu chuyện của cả thị trường, chứ không phải 1 tổ chức.
Về lợi thế và rủi ro, theo tôi, cái được lớn nhất là thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện do vòng quay vốn nhanh hơn.Diễn biến giá theo đó có thể cũng sẽ nhanh và hẹp hơn so với trước đây, nhưng đây là xu hướng tất yếu, và chúng ta nên chấp nhận nó để nhìn theo hướng tích cực thì tốt hơn.
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Điều này hoàn toàn khả thi và tôi nghĩ sẽ có thể thực hiện sớm. Phương thức giao dịch mới nói chung vẫn không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư mà ngược lại mang lại một số lợi thế đáng kể cho các nhà đầu tư về việc có thể mua và bán cổ phiếu nhanh hơn nếu trường hợp thị trường có diễn biến xấu.
Ngoài ra việc ứng tiền, rút tiền, thời gian tính vay margin… cũng ngắn hơn. Tóm lại tôi nghĩ phương thức giao dịch mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư nói riêng và cho cả thị trường chứng khoán nói chung.
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng Dự thảo sửa đổi Thông tư 74 cho phép nhà đầu tư có thể thực hiện các giao dịch trong ngày (mua trước- bán sau hoặc bán trước - mua sau) và Dự thảo quy trình rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn T+2 là một thông tin tích cực và có tính khả thi cao đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ đang là bản dự thảo và đang trong quá trình xây dựng nên tôi cho rằng cần phải mất thêm một thời gian nữa để những quy định này chính thức được thực hiện và đi vào hoạt động.
Việc giảm thời gian thanh toán xuống T+2 hay cho phép giao dịch trong ngày sẽ giúp dòng vốn luân chuyển nhiều hơn, thanh khoản thị trường tăng sẽ đi kèm doanh thu môi giới và các loại phí liên quan tăng. Điều này sẽ giúp các công ty chứng khoán được hưởng lợi trực tiếp, đồng thời đóng vai trò là nền tảng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Về khả năng thực thi T+2 và giao dịch T+0 có được thực thi hay không, tôi không có ý kiến gì, bởi đây là câu chuyện đã được nói đi nói lại không ít lần. Tuy nhiên, tôi tin thị trường hiện tại đủ năng lực để thực hiện điều này.
Nếu giao dịch T+0 được áp dụng, quy mô và tốc độ thị trường sẽ bước sang một trạng thái hoàn toàn khác. Rủi ro T+ bị loại trừ, khiến cho nhà đầu tư có thể sửa sai ngay lập tức trong phiên.
Tuy nhiên, rủi ro sẽ xảy ra cho những nhà đầu tư không đủ nhạy bén, không kịp phản ứng với thị trường lên/xuống tốc độ cao, có thể dẫn đến cháy tài khoản. Ở phía các công ty chứng khoán, rủi ro hệ thống không thể đáp ứng với quy mô mới của thị trường cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Các nhóm cổ phiếu mà anh chị quan tâm trong tuần trước thực sự bùng nổ trong tuần này, nhất là chứng khoán và bất động sản. Đây chỉ là hiện tượng dịch chuyển dòng tiền bình thường, hay có những kỳ vọng gì lớn hơn?
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Khi thị trường vào sóng tăng điểm mạnh thì sẽ xuất hiện hiện tượng mà giới chuyên gia gọi là “Các nhóm cổ phiếu bùng nổ luân phiên” - nghĩa là dòng tiền đẩy vào cùng lúc 1 vài nhóm cổ phiếu sau đó lại chảy mạnh sang các nhóm cổ phiếu khác và kéo chỉ số chứng khoán tăng mạnh cùng thanh khoản.
Nhận thức của thị trường tốt hơn, tâm lý nhà đầu tư hiện nay là khá tốt - đây chính là 2 yếu tố chính làm thị trường tăng mạnh trong thời gian gần đây. Điều nay xuất phát từ diễn biến vĩ mô cũng như kỳ vọng lớn của nhà đầu tư về xu hướng uptrend của thị trường chứng khoán.
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng việc dòng chứng khoán và bất động sản thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dòng tiền trong tuần qua không chỉ là sự dịch chuyển dòng tiền bình thường, mà nó còn ẩn chứa những kỳ vọng tích cực đằng sau.
Đối với nhóm ngành chứng khoán, những kỳ vọng về quy trình rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 hay cho phép giao dịch trong ngày có thể giúp triển vọng kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán khởi sắc trong tương lai. Cùng với đó, những kỳ vọng về lộ trình nới “room” cho nhà đầu tư ngoại hay việc triển khai các sản phẩm chứng khoán phải sinh sẽ là những yếu tố giúp nhóm ngành này thu hút được sự quan tâm của dòng tiền.
Còn về nhóm cổ phiếu bất động sản. Đây là nhóm sẽ được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản của chính phủ có hiệu lực từ 1/7 tới đây.
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Nhóm cổ phiếu tài chính sẽ dẫn dắt thị trường trong năm nay, vì vậy kỳ vọng của tôi dành cho nhóm này còn xa hơn mức tăng hiện tại. Đặc biệt nhóm chứng khoán, nếu việc giao dịch T+0 được thực thi, đây sẽ là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất.
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Với việc dòng tiền nước ngoài vẫn mua ròng (phiên thứ 6 đã quay trở lại mua ròng tương đối lớn), việc dòng tiền nội tiếp tục luân chuyển qua các dòng cổ phiếu là bình thường. Kỳ vọng của tôi không có gì thay đổi, tôi vẫn cho rằng thị trường đang tạo vùng đỉnh tại mức này.
Hiện tại mức margin theo quan sát của tôi cũng đã tăng rất nhiều từ đáy trong năm 2015 (mức tăng khoảng 50%). Có chăng là quá trình tạo đỉnh có thể kéo dài hơn so với dự báo của tôi mà thôi.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Chúc mừng anh chị đã đứng về phía đúng của thị trường trong tuần trước. Thị trường tốt hơn, anh chị đã sử dụng margin hay chưa? Mức phân bổ vốn là bao nhiêu?
Ông
Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi đã thực hiện một vài hoạt động trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn nhưng vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức 80% cổ phiếu (trong đó, tỷ trọng phần danh mục trung hạn vẫn là 30% cổ phiếu).
Phần danh mục ngắn hạn của tôi chủ yếu tập trung vào các mã thuộc nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí và bất động sản tầm trung.
Ông
Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS
Tôi cũng đã thực hiện thêm gia tăng cổ phiếu nhất là một số cổ phiếu bất động sản có mặt bằng giá hấp dẫn và đã sử dụng margin. Hiện nay tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu là 0%/100%.
Tuy nhiên tỷ lệ cổ phiếu sẽ giảm khá khi chỉ số VN-Index tiến tới mốc 600 điểm vào tuần tới.
Bà
Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi sử dụng margin 20%, phân bổ vào một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản lớn nhưng chưa tăng. Phần cổ phiếu sẵn có trước đó mua bằng tiền thật vẫn tiếp tục nắm giữ.
Ông
Phạm Thiên Quang
Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS
Tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng, và tạm thời tiếp tục quan sát.
VnEconomy: Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ email của các chuyên gia. Các chuyên gia của chuyên mục Xu thế dòng tiền sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.
Ông
Phạm Thiên Quang - Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS: Quang.PhamThien@mbs.com.vn
Ông
Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán MSBS: leduckhanh@gmail.com
Bà
Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT: huyen.ho@vndirect.com.vn
Ông
Trần Xuân Bách -Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: TranXuanBach@baoviet.com.vn